Đồng bằng sông Cửu Long được mệnh danh là vựa lúa, vựa trái cây, thủy sản của cả nước. Nắm bắt lợi thế đó, từ các mô hình sản xuất nông nghiệp, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp được hình thành, đưa vào khai thác, phục vụ du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để du lịch nông nghiệp có thêm nhiều sản phẩm mới, gia tăng các giá trị trải nghiệm, mang lại hiệu quả tối đa cho cả sản xuất nông nghiệp và hoạt động du lịch thì vẫn còn rất nhiều thách thức đòi hỏi từng địa phương cũng như toàn vùng có những giải pháp, lộ trình phù hợp. 

Là một trong 7 vùng du lịch của cả nước, du lịch nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây phát triển mạnh với các điểm đến là những vườn cây ăn trái đa dạng về chủng loại, những làng hoa cây cảnh mang nét đặc trưng của nông nghiệp miền sông nước hay những mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao kết hợp với tìm hiểu, trải nghiệm các công đoạn chăm sóc, thu hoạch, sơ chế nông sản.  

Từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp mang tính đặc thù ở Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch thuộc loại hình du lịch nông nghiệp được “gọi tên” trong nhiều tour, tuyến du lịch về vùng đất “Chín Rồng”. Chính từ các sản phẩm du lịch đó, thương hiệu du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng của miền đất này đã được khẳng định với nhiều giá trị nổi trội, khác biệt.  

Sa Đéc sản xuất hoa gắn với phát triển du lịch.

Đề cập về loại hình du lịch nông nghiệp ở Cần Thơ - thành phố trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Giáo sư Đào Ngọc Cảnh, Trường Đại học Cần Thơ khẳng định: Là thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị loại 1, nhưng với vị thế trung tâm vùng - địa bàn sản xuất nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam, Cần Thơ có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch nông nghiệp. Miệt vườn là tiềm năng to lớn của Cần Thơ để phát triển du lịch nông nghiệp.

Thực tế cho thấy, đến các địa phương thuộc Cần Thơ như huyện Phong Điền, các quận Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt, những vườn cây xanh mát, trái cây tươi ngon, người dân mến khách, cuộc sống thanh bình, thân thiện đã trở thành những điểm đến thu hút rất nhiều du khách. 

Rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi là điểm đến yêu thích của nhiều du khách gần xa.

Dọc theo sông Hậu thuộc địa bàn Cần Thơ có các bãi bồi trên sông mà người dân quen gọi là “cù lao” hoặc “cồn” như cù lao Tân Lộc, Cồn Sơn, Cồn Khương, Cồn Ấu là những địa bàn có đất đai màu mỡ với những vườn cây trái, hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản cùng với đời sống miệt vườn của người dân đã được khai thác, phát triển du lịch. 

Tại những điểm đến này, du khách được hướng dẫn cách trồng, chăm sóc nhiều loại cây ăn trái, tham gia làm vườn, hái rau quả, tìm hiểu cách chăm sóc nhiều loài cá có những cái tên rất ấn tượng ở vùng sông nước như: Cá thác lác cườm, cá mê rỗ, cá trà sóc, cá tra bần…

Cũng tại Đồng bằng sông Cửu Long, một điển hình sản phẩm du lịch bắt nguồn từ sản xuất nông nghiệp khá nổi bật là du lịch gắn với cây dừa tại tỉnh Bến Tre. Đây là tỉnh có quy mô trồng dừa lớn nhất cả nước và được trồng tập trung thành vùng nguyên liệu lớn với tổng diện tích lên tới khoảng trên 68.000 ha. 

Du khách mỗi lần đến Bến Tre đều cảm nhận được những điều mới mẻ, độc đáo.

Theo ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty Du lịch và truyền thông C2T Bến Tre: Từ những làng quê thanh bình xanh mát bóng dừa, chợ mua bán dừa trên sông, xưởng sơ chế, chế biến các sản phẩm từ dừa, các đặc sản được chế biến từ trái dừa và cả những món đồ lưu niệm ấn tượng được làm từ dừa, doanh nghiệp này đã khảo sát, đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang nét đặc trưng xứ Dừa khiến du khách mỗi lần đến Bến Tre đều cảm nhận được những điều mới mẻ, độc đáo.

Còn với tỉnh Đồng Tháp, những điểm đến là cánh đồng sen hồng trải dài ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông, Thanh Bình hay vườn hoa, cây cảnh ngay tại thành phố Sa Đéc trong những năm gần đây đã đem lại sự khởi sắc đáng kể cho du lịch của vùng đất này. 

Cánh đồng sen hồng trải dài ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp).

Ông Trần Thanh Hùng, chủ homestay Ngôi nhà Hoa ếch ở làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) đồng thời là chủ nhiệm Hội quán “Cùng nhau làm du lịch” của nông dân làng hoa chia sẻ: Xuất phát từ trồng hoa, cây cảnh - một trong những ngành hàng chủ lực của nông nghiệp Đồng Tháp, người nông dân làng hoa đã hoàn thiện vườn tược, xây dựng các tiểu cảnh, tính toán thời điểm thu hoạch hoa rải vụ để vừa có hoa bán ra thị trường vừa làm du lịch. Do đó, bất cứ thời điểm nào trong năm du khách đến làng hoa Sa Đéc cũng luôn thấy làng hoa rực rỡ sắc màu.

Nhiều chuyên gia đã đánh giá, phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ có ý nghĩa đối với du lịch mà còn tác động tích cực đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Du lịch nông nghiệp góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ nông phẩm, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực.

Mê mẩn sắc vàng hoa cúc mâm xôi tại làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp.

Theo Phó Giáo sư Đào Ngọc Cảnh (Trường Đại học Cần Thơ), nông nghiệp và du lịch nông nghiệp luôn có quan hệ tác động lẫn nhau. Nông nghiệp tạo điều kiện để hình thành các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của du khách, bảo đảm cho du lịch phát triển. Ngược lại, du lịch lại góp phần quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị nông phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển nông thôn bền vững.

Khách du lịch bơi xuồng trải nghiệm "Một ngày làm ngư dân" tại khu C4 - vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, Đồng Tháp.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, du lịch nông nghiệp phát triển đang góp phần mạnh mẽ vào việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh doanh cho người nông dân. Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp) cho rằng, việc tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nông dân tham gia hoạt động du lịch, giúp họ gia tăng thu nhập là hướng đi đúng đắn của Đồng Tháp và một số tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ví dụ, tại Đồng Tháp, chỉ tính trong giai đoạn 2016-2020, các điểm tham quan vườn cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đã đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng từ hoạt động du lịch bên cạnh nguồn thu từ việc bán nông sản đơn thuần. 

Nhiều nông dân ở Đồng Tháp cũng bày tỏ, họ phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm và lòng tự hào với quê hương. Khi làm du lịch bên cạnh sản xuất nông nghiệp, cái họ nhận được không chỉ là lợi nhuận ngay lập tức mà còn là những kiến thức, thông tin bổ ích qua tiếp xúc với du khách.

Từ thực tế kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch, ông Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc công ty Chanh Việt (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) chia sẻ: Lợi ích đem lại ở chỗ không chỉ là người nông dân có thêm thu nhập, du khách có thêm điểm đến. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng có thêm cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm rất thuyết phục cho người tiêu dùng từ chính du khách đến tham quan cánh đồng chanh, chứng kiến quy trình thu hoạch, sơ chế và đưa vào nhà máy chế biến. Thậm chí du khách còn được hướng dẫn và tự tay chế biến một số sản phẩm từ trái chanh được trồng trên đất phèn vùng Đồng Tháp Mười.

Khách du lịch tham quan, chụp ảnh tại Làng hoa kiểng Sa Đéc.
  

Đối với phát triển du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng, mỗi địa phương có lợi thế riêng về vị trí địa lý, tài nguyên du lịch, nguồn lực phát triển. Hoạt động kết nối được thực hiện sẽ tạo ra những chuỗi giá trị, gia tăng tính hấp dẫn và đa dạng của các sản phẩm, dịch vụ du lịch, từ đó đem lại thêm nhiều nguồn lợi cho các bên liên quan. Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không thực hiện liên kết vùng trong phát triển du lịch, địa phương nào cũng tự phát sẽ “phá” tiềm năng, không tạo ra được sản phẩm có sức cạnh tranh.

Du lịch sinh thái miệt vườn tỉnh Vĩnh Long hút khách dịp nghỉ lễ.

Nghiên cứu, khảo sát về du lịch nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Giáo sư Ngô Thị Phương Lan và Phó Giáo sư Nguyễn Thị Vân Hạnh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá: Với lợi thế là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, được thiên nhiên ưu đãi và sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, những năm gần đây Đồng bằng sông Cửu Long đã chú trọng phát triển loại hình du lịch này. Nhiều chương trình tour du lịch nông nghiệp đem lại những trải nghiệm thú vị thể hiện rõ tính kết nối, liên kết các địa phương trong vùng như tour “Một ngày làm nông dân”, “Hạt gạo từ đâu”, “Vui cùng hoa lúa”, “Trải nghiệm mùa nước nổi của ngư dân vùng Đồng Tháp Mười”, “Mỗi ngày một nghề”, “Đi trong màu xanh của vườn cây trái” đi tới nhiều địa phương trong vùng như Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau…

Khách du lịch trải nghiệm làm ngư dân tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp). 

Trong các tour nối kết liên tỉnh, nhiều hoạt động du lịch nông nghiệp đã hiện diện, ví dụ tour “Lục tỉnh Nam Kỳ” đưa du khách khám phá các tỉnh miền Tây, trong đó có các hoạt động nông nghiệp như tát mương bắt cá, làm nông dân, tìm hiểu đời sống cư dân miệt vườn, tham quan vựa hoa kiểng, vườn cây ăn trái.

Đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong phát triển các sản phẩm du lịch, mà du lịch nông nghiệp là một trong những điểm nhấn, theo lãnh đạo Tổng Công ty Du lịch Sài gòn (Saigontourist Group): Thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa  Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025, doanh nghiệp này đã hoàn thiện, khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới theo các tuyến kết nối đến các tỉnh miền Tây, trong đó hầu hết tour, tuyến đều có các hoạt động du lịch nông nghiệp như tour "Sắc màu Khmer" với lộ trình Trà Vinh - Vĩnh Long có hoạt động tham quan vựa bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, tour Bến Tre - Trà Vinh có trải nghiệm câu cua, đi xe lôi hoặc xe đạp trên đường làng trong vườn dừa, tour đi Long An hay tour đến Đồng Tháp đưa du khách khám phá Khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười, Làng hoa Sa Đéc.

Thu hoạch xoài cát chu rải vụ ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Liên quan đến việc đẩy mạnh liên kết, tăng cường kết nối để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trong đó có lĩnh vực du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều hoạt động nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ hơn cho các mặt hàng nông sản cũng như sản phẩm du lịch của địa phương. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã thành lập Trung tâm Giới thiệu trưng bày đặc sản và Du lịch Đồng Tháp ngay tại Thủ đô Hà Nội; phối hợp, kết nối với các đơn vị, địa phương để tổ chức các tuần giới thiệu hàng cá tra, cá ba sa và đặc sản của Đồng Tháp tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Khẳng định du lịch nông nghiệp muốn thành công tất yếu phải gắn với cộng đồng và nét văn hóa tại điểm đến, Tiến sỹ Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương lý giải: Đặc điểm nông thôn nước ta, các khu vực sản xuất nông nghiệp thường nằm liền kề hoặc xen kẽ với khu dân cư nên khó có hoạt động du lịch nông nghiệp riêng lẻ mà phần lớn là chúng đều nằm trong không gian của du lịch nông thôn. Chủ thể tham gia tổ chức du lịch nông nghiệp có thể là chủ hộ, nhà vườn, chủ rừng, chủ trang trại, chủ cơ sở, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, chủ doanh nghiệp nông nghiệp...

Còn theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, du lịch nông nghiệp, nông thôn và nông dân làm du lịch là không thể tách rời nhau. Người nông dân làm du lịch từ các mô hình sản xuất nông nghiệp không chỉ dựa vào những vườn hoa, cây trái, thửa ruộng... hữu hình, mà còn phải biết khai thác vốn văn hóa bản địa, vốn xã hội của cộng đồng dân cư tại địa phương mình.

Rừng tràm Trà Sư có hệ thống động thực vật phong phú.

Thực tế cho thấy thời gian qua, du lịch nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang được các địa phương phát triển hiệu quả theo hướng gắn với cộng đồng và những nét văn hóa bản địa một cách rất hiệu quả.

Chị Đinh Quỳnh Trang, du khách đến từ quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết, khi đến điểm du lịch Cồn Sơn ở quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ), được hòa mình vào đời sống của người nông dân thực thụ, đi thu hoạch trái cây, hái rau, được những người nông dân giới thiệu tên của từng loại cây ăn quả, từng loại rau trong vườn, các thành viên trong gia đình chị đều cảm thấy rất thú vị. 

Du khách tham gia các hoạt động trong lễ hội dừa, tỉnh Bến Tre.

Không những vậy, điều khiến chị và nhiều du khách cảm nhận rất rõ khi đến Cồn Sơn là không gian làng quê bình dị mà sống động, được chứng kiến khung cảnh sinh hoạt, nếp sống hằng ngày của người dân nông thôn miền Tây chứ không phải là khung cảnh tái hiện. Tiếp xúc và trò chuyện người dân trên cồn, chị hiểu hơn về nhiều nét văn hóa của người dân miền Tây Nam Bộ, từ cách quấn khăn rằn, mặc chiếc áo bà ba đúng chất Nam Bộ, đặc biệt là được khám phá văn hóa ẩm thực với rất nhiều món ăn và các loại bánh dân gian phong phú, hấp dẫn. 

Tương tự, nhiều du khách đến xứ dừa Bến Tre cảm thấy hài lòng bởi được trải nghiệm khung cảnh làng quê êm ả, xem những người nông dân sơ chế và chế biến nhiều sản phẩm từ dừa, hiểu thêm về nhiều nét văn hóa trong đời sống sinh hoạt của người dân xứ dừa.

Ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty Du lịch và truyền thông C2T - Bến Tre cho biết: Trong hành trình đón du khách đến du lịch Bến Tre, bên cạnh tham quan miệt vườn, trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp này còn chú trọng giới thiệu, đưa du khách đến tham quan nhà người dân, khám phá những nét văn hóa đặc sắc của người nông dân xứ dừa, như dự đám cưới, đám giỗ ở làng quê, giới thiệu đến du khách từng chi tiết nhỏ như chiếc cổng trang trí đám cưới tết bằng lá dừa, những món ăn đồng quê được bày biện ngay trong lòng trái dừa...

Du lịch cộng đồng Cồn Sơn - Một trong những điểm du lịch tiêu biểu của Cần Thơ.
   

Đề cập về du lịch nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Giáo sư Ngô Thị Phương Lan và Phó Giáo sư Nguyễn Thị Vân Hạnh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá: Đồng bằng sông Cửu Long được thiên nhiên ưu đãi, có rất nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nhất là du lịch sinh thái nông nghiệp, miệt vườn, sông nước. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chưa tận dụng, khai thác, phát triển được lợi thế tương xứng và hiệu quả, gây ra những lãng phí lớn, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của vùng. Du lịch nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố của vùng nhiều nơi còn phát triển rời rạc, manh mún, tự phát và chưa bổ khuyết cho nhau. 

Làng hoa Bà Bộ - một trong những điểm du lịch tiêu biểu của Cần Thơ.

Sản phẩm du lịch nông nghiệp mới chủ yếu đáp ứng các nhu cầu đơn giản như tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống trong ngày của du khách, chưa tăng khả năng chi tiêu của du khách qua các dịch vụ bổ trợ, chưa gây ấn tượng để níu chân được du khách lưu trú lâu hơn hay có nhiều hoạt động, trải nghiệm phong phú cho du khách. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch nông nghiệp ở đây còn ở dạng nhỏ lẻ, trùng lặp nhiều và thiếu sự liên kết giữa các địa phương một cách đồng bộ để cùng nhau hưởng lợi.

Từng đi du lịch ở nhiều tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, anh Nguyễn Đình Thục đến từ phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: Đi đến nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ đều được giới thiệu đi miệt vườn, hái trái cây, hay tát ao, bắt cá. Du khách mong muốn thấy rõ hơn sự khác biệt trong mỗi điểm đến để luôn có cảm giác chưa khám phá hết và mỗi chuyến đi sẽ có những trải nghiệm thú vị khác nhau để có thể quay trở lại nhiều lần.    

Du lịch ẩm thực cung đình, thực dưỡng - mô hình du lịch mới ở Cần Thơ.

Đề cập về những hạn chế trong phát triển du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể là tại Cần Thơ - địa phương đóng vai trò trung tâm của vùng, Phó Giáo sư Đào Ngọc Cảnh, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng phát triển du lịch nông nghiệp còn mang tính tự phát, chủ yếu do từng hộ dân làm du lịch theo kiểu nhỏ lẻ. Người dân chưa mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch, ngại thuê mướn lao động bên ngoài nên thường xảy ra tình trạng quá tải vào mùa cao điểm. Sản phẩm du lịch cũng còn thô sơ, đơn giản theo kiểu “cây nhà lá vườn”; ít có sự sáng tạo để tạo ra sự khác biệt, chưa có nhiều điểm nhấn để thu hút khách.

Khu du lịch Cánh đồng bất tận (xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) đang được tỉnh Long An đầu tư, phát triển thành khu du lịch sinh thái trải nghiệm, kết hợp chăm sóc sức khỏe.

Một điểm cũng đáng lưu ý nữa là hoạt động du lịch nông nghiệp còn phụ thuộc lớn vào tính mùa vụ của sản xuất nông nghiệp. Việc phát triển các nông sản trái vụ và bố trí rải vụ hoặc phối hợp các hộ dân để duy trì sản phẩm phục vụ du lịch chưa được chú trọng. Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường ở một số điểm đến chưa được chú trọng, thiếu nhà vệ sinh công cộng, hệ thống xử lý rác thải, nước thải ở nhiều địa bàn du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư bài bản, đồng bộ.

Để phát triển bền vững du lịch nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhấn mạnh giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, Phó Giáo sư Ngô Thị Phương Lan và  Phó Giáo sư Nguyễn Thị Vân Hạnh đề xuất cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và cách thức triển khai, xúc tiến các hoạt động liên kết các địa phương về du lịch nông nghiệp, vừa giúp các bên liên quan nhận thức được lợi ích to lớn của du lịch nông nghiệp, vừa thay đổi tư duy từ phát triển “điểm du lịch” thành phát triển “vùng du lịch”. Các địa phương và cơ quan chức năng cũng cần xây dựng kế hoạch liên kết tổng thể và cụ thể trong phát triển du lịch nông nghiệp vùng; xây dựng bộ thông tin chung về du lịch nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tổng hợp và cập nhật thông tin chung tham mưu cho lãnh đạo phụ trách phát triển du lịch các địa phương, tạo cơ sở dữ liệu phục vụ hoạch định chính sách liên kết vùng.

Không gian gới thiệu sản phẩm đặc sản Đồng Tháp trong khuôn khổ tuần lễ du lịch Đồng Tháp.

Bên cạnh đó ngành du lịch cần tăng cường xây dựng các tour tuyến, điểm du lịch nông nghiệp xuyên tỉnh mang tính chuyên nghiệp, đặc sắc hơn; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp lữ hành hình thành, khai thác các tour, tuyến du lịch nông nghiệp xuyên tỉnh để tạo sự liên kết mạnh mẽ hơn và cũng góp phần khai thác điểm khác biệt, chọn lọc, tránh trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương.

Chuyên gia tư vấn phát triển du lịch, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng tròn Việt, ông Phan Đình Huê gợi mở: Ngoài yếu tố thị trường, du lịch nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long cần chú ý hơn nữa đến cơ sở hạ tầng và văn hóa ẩm  thực. Đừng vì làm du lịch nông nghiệp, muốn giới thiệu đến du khách nét dân dã, giản dị, mà ít chú ý đến không gian nghỉ dưỡng; cần tạo sự thoải mái, thân thiện, sạch sẽ cho du khách. Bởi vì khi du khách xuống ruộng, họ muốn trải nghiệm làm người nông dân thực thụ, nhưng khi bước lên bờ, cần mang đến cho họ các dịch vụ và tiện ích đầy đủ, đạt chuẩn thì mới có thể thu hút, “giữ” du khách ở lại lâu hơn và cảm thấy thoải mái để họ có ý định trở lại trong những chuyến du lịch sau. 

Du khách thích thú tham gia trải nghiệm hoạt động hái ấu của người nông dân ở khu vực lòng hồ Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Đi sâu về giải pháp phát triển bền vững du lịch nông nghiệp ở Cần Thơ, Phó Giáo sư Đào Ngọc Cảnh (Trường Đại học Cần Thơ) nêu ý kiến: Thành phố nên chú trọng những giá trị đặc trưng tiêu biểu để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch kết hợp xây dựng hình ảnh và thương hiệu điểm đến cho du lịch nông nghiệp Cần Thơ. Thành phố cũng tăng cường phát triển nguồn nhân lực du lịch nông nghiệp thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng du lịch cho nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp làm du lịch; đào tạo và bồi dưỡng nhân lực tham gia chuỗi sản phẩm du lịch nông nghiệp như hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ, thành viên trong hộ gia đình làm du lịch.

Ngoài ra, thành phố cần đẩy mạnh thông tin, quảng bá du lịch nông nghiệp một cách bài bản, đồng bộ và hiệu quả, tránh tình trạng để nông dân tự tổ chức hoạt động này một cách riêng lẻ, rời rạc. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch về phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh, bền vững; đẩy mạnh khuyến khích người dân cải tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp như xây dựng hàng rào xanh, trồng hoa kiểng trang trí để tạo tiểu cảnh cho khách chụp hình lưu niệm, thiết kế cổng vào các điểm vườn du lịch độc đáo, “bắt mắt” hơn...

Du khách tham gia các trò chơi tại Khu du lịch sinh thái nông nghiệp Tiên Định, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp.

Trở thành dân miền Tây chính hiệu tại Tràm Chim:

Bài: Thanh Trà
Ảnh: TTXVN, TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn

18/04/2021 07:00