Việt Nam có một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng. Không chỉ góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc, di sản văn hóa còn giúp phát triển kinh tế, xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Vì vậy, việc bảo tồn các di sản, di tích là việc làm quan trọng, trách nhiệm của Nhà nước và cộng đồng.

Dù trải qua biết bao biến cố của lịch sử, bị mất mát, phá hủy bởi chiến tranh và điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng kho tàng di sản văn hóa của Việt Nam vẫn vô cùng phong phú và đa dạng. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có khoảng 40.000 di tích được kiểm kê. Trong đó, hiện có khoảng 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố; trên 3.460 di tích cấp quốc gia; 107 di tích quốc gia đặc biệt. Từ năm 2012 đến nay, qua nhiều đợt xét chọn, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận 164 bảo vật quốc gia, bao gồm hiện vật và nhóm hiện vật.

Tàu thuyền đưa khách tham quan vịnh Hạ Long.

Đặc biệt, Việt Nam có 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Khu di tích Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An, Phong Nha - Kẻ Bàng, Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ và Quần thể danh thắng Tràng An; và 13 di sản được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Hát ca trù, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, Hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Nghi lễ và trò chơi kéo co, Thực hành Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt, Bài Chòi Trung Bộ, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam.

Phong cảnh và kiến trúc tại Cố đô Huế.

Cùng với đó, theo Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, Việt Nam đã có 7 Di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, là: Mộc bản Triều Nguyễn, 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ thời Lê - Mạc, Châu bản Triều Nguyễn, Mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm, Hệ thống văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ. Ngoài ra, Việt Nam còn có 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới (rừng ngập mặn Cần Giờ, Đồng Nai, Châu thổ sông Hồng, Cát Bà, Kiên Giang, Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm, Mũi Cà Mau, Lang Biang - Đà Lạt) và 3 Công viên địa chất toàn cầu (Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang, Non nước Cao Bằng, Đắk Nông).

Việt Nam là điểm đến hàng đầu châu Á về di sản, ẩm thực và văn hóa:

Cùng với hệ thống di tích, hệ thống bảo tàng ở Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể trên nhiều mặt. Hệ thống bảo tàng đã được phát triển từ một vài bảo tàng xây dựng từ thời Pháp thuộc thành một hệ thống gồm hơn 160 bảo tàng. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, các bảo tàng đã sưu tầm, lưu giữ, từng bước phát huy giá trị được hơn 3 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập hiện vật quý hiếm và các bảo vật quốc gia có giá trị cao đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận, góp phần quan trọng giới thiệu về lịch sử, văn hóa Việt Nam tới đông đảo công chúng.

Những năm qua, các di sản văn hóa được nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy, đã góp phần không nhỏ vào việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Di sản văn hóa ở Việt Nam đã và đang thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, hình thành nên nguồn nhân lực đóng góp trực tiếp, quyết định vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Khách du lịch trong và ngoài nước tham quan phố cổ Hội An.

Đặc biệt, các di sản văn hóa góp phần quan trọng xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia, truyền bá các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua hoạt động du lịch, giao lưu văn hóa và hợp tác phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, đồng thời, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có di sản, mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững.

Toàn cảnh thành phố Hội An, nằm bên bờ sông Hoài.

Theo thống kê, khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan các khu di sản ở Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là các khu di sản, như: Vịnh Hạ Long, Quần thể di tích Cố đô Huế, Quần thể danh thắng Tràng An, Phố cổ Hội An, chùa Hương, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu di tích và danh thắng Yên Tử, Khu di tích và danh thắng Núi Sam, Địa đạo Củ Chi... 

Ánh sáng chiếu xuống hang Sơn Đoòng tạo nên vẻ đẹp lung linh, huyền ảo.
 

Năm 2019, số lượng khách tham quan tới 8 di sản thế giới ở Việt Nam đều tăng. Cụ thể, Quần thể di tích Cố đô Huế đón trên 3,3 triệu lượt khách (khách quốc tế là trên 2,2 triệu), doanh thu từ du lịch đạt 378 tỷ đồng; Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã đón 4.4 triệu khách (2,9 triệu khách quốc tế), doanh thu từ du lịch đạt 1.237 tỷ đồng; Phố cổ Hội An đón 5,35 triệu lượt khách (4 triệu lượt khách quốc tế), doanh thu từ du lịch đạt 300 tỷ đồng; Khu Di tích Mỹ Sơn đón 419.000 lượt khách (374.000 khách quốc tế), doanh thu từ du lịch đạt 61 tỷ đồng; Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đón 921.000 lượt khách (170.000 lượt khách quốc tế), doanh thu từ du lịch đạt 266 tỷ đồng; Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đón 462.000 lượt khách (trên 230.459 khách quốc tế), doanh thu từ du lịch 11 tỷ đồng; Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đón trên 6,3 triệu lượt khách (trên 5,5 triệu khách trong nước), doanh thu từ du lịch đạt 867 tỷ đồng...

Nhận thức tầm quan trọng của di sản, trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn quan tâm đến việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Ngày 23/11/1945, chỉ hơn 2 tháng sau khi nước nhà được độc lập, dù còn bộn bề với các công việc cấp bách, nhưng với tầm nhìn minh triết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL về bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Sắc lệnh không chỉ là văn bản đầu tiên về bảo vệ di sản văn hóa dân tộc mà còn khẳng định vai trò, vị trí của các di sản văn hóa cùng những định hướng đúng đắn của nhà nước ta đối với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Và với ý nghĩa lịch sử to lớn của sắc lệnh này, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/QĐ-TTg lấy ngày 23/11 hằng năm là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực di sản văn hóa, động viên và thu hút mọi tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông.

Trước đó, năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) cũng đã đề ra nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Năm 2001, Luật Di sản văn hóa ra đời và được sửa đổi, bổ sung năm 2009 - điều chỉnh cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Ngày 21/9/2017, Chính phủ ban hành Nghi định số 109/2017/NĐ-CP Quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới có ý nghĩa đối với cộng đồng xã hội và quốc tế...

Đặc biệt, để ghi nhận những đóng góp xuất sắc của các nghệ nhân trong việc truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 Quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Điệu múa hát Xoan truyền thống do các nghệ nhân tỉnh Phú Thọ trình diễn.

Cùng với xây dựng hành lang pháp lý, trong giai đoạn 2011-2018, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp trên 1.560 tỷ đồng cho các địa phương trên cả nước để chống xuống cấp và tu bổ di tích. Công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã đạt được những hiệu quả tích cực, đã huy động được nguồn vốn không nhỏ từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng và nguồn vốn viện trợ của UNESCO, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ cho bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích. Theo số liệu thống kê từ các địa phương, giai đoạn từ năm 2011-2018, nguồn xã hội hóa cho tu bổ, tôn tạo di tích lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích, trong thời gian qua, các di sản văn hóa phi vật thể cũng được sưu tầm nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn, trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng cư dân tại địa phương.

Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam.

Chủ tịch nước cũng đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú cho hàng nghìn cá nhân góp phần quan trọng vào việc bảo tồn bền vững các di sản văn hóa phi vật thể của đất nước... Riêng năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú cho 623 cá nhân có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã làm được, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vẫn còn những hạn chế, như: Việc triển khai quy hoạch di tích ở nhiều địa phương chưa kịp thời; công tác bảo vệ di sản nhiều nơi còn chưa tốt, nhiều di sản còn bị xâm hại. Việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp nhiều di sản theo kiểu “hiện đại hóa”, “hào nhoáng” đã làm mất đi nét chân thực, tính độc đáo vốn có của di sản. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ nghệ nhân triển khai còn chậm; chưa quan tâm đúng mức nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật, chưa có giải pháp toàn diện phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Thực tế này đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đây không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng và cộng đồng. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò tạo ra khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách; còn nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản.

Người dân hưởng lợi từ di sản:

Minh Duyên - Kỳ Thư (tổng hợp)
Ảnh, đồ họa: TTXVN; Video: Vnews
Trình bày: Nguyễn Hà

29/11/2020 05:30