Ngày này cách đây 66 năm (10/10/1954), hai mươi vạn nhân dân Hà Nội náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, vui sướng trào dâng đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Đây là sự kiện lịch sử hào hùng, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Đến nay, Hà Nội – trái tim của nước Việt Nam, đã có những thành tựu vượt bậc, xứng đáng là trung tâm đầu não về chính trị, văn hoá và khoa học kĩ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về giao dịch kinh tế và quốc tế của cả nước; là điểm đến hoà bình, phát triển của bè bạn năm châu.
Trong tâm trí của Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân, người đã tiếp quản nhà tù Hỏa Lò và trụ sở của Nha Cảnh sát Công an Bắc Việt (số 87 phố Trần Hưng Đạo) ngày 10/10/1954, ký ức 66 năm trước vẫn còn mồn một.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh bồi hồi nhớ lại: Ngày giải phóng, Thủ đô vắng vẻ lắm, chỉ khoảng 23 vạn dân, đường phố toàn xe đạp, rất hiếm xe máy. Sông Hồng chảy qua Thủ đô chỉ có 1 cây cầu Long Biên. “Tôi đã từng ước ao rằng, tương lai sẽ có nhiều cây cầu nối hai bờ sông Hồng. Ngày đó, Thủ đô chưa có nhà cao tầng, nhà khang trang nhất có lẽ là các căn biệt thự của thực dân Pháp để lại, các căn tập thể cũ cũng chỉ cao từ 3 đến 5 tầng, hệ thống giao thông chưa có những tuyến đường nhiều làn xe”- Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh hồi tưởng.
Vậy mà giờ đây, cùng với quá trình đô thị hóa, Thủ đô đã thay đổi mạnh mẽ về diện mạo đô thị. Sự thay đổi này đến từ công tác xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông và kiến trúc, nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới hiện đại, giao thông kết nối tập trung… tạo lập môi trường đô thị với điều kiện sống mới, văn minh.
“Sự thay đổi diện mạo lớn nhất của Thủ đô bắt đầu từ khi được mở rộng địa giới hành chính (năm 2008). Mở rộng diện tích Thủ đô là một quyết định táo bạo, sáng suốt và mang tầm chiến lược. Trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá, quá trình đô thị hoá của Hà Nội lan toả mạnh theo chiều rộng, giao thông đi trước, làm tiền đề cho các lĩnh khác phát triển”- Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh đánh giá.
“66 năm qua, tôi không thể ngờ được rằng, Thủ đô của chúng ta lại đổi thay và phát triển mạnh mẽ đến vậy. Hàng loạt các tuyến đường được mở rộng, kết nối với đường cao tốc đi các tỉnh, hàng loạt các toà nhà cao tầng mọc lên, thay thế cho những căn tập thể cũ nát tồn tại gần nửa thập kỷ, ngày càng nhiều các trung tâm thương mại mua sắm phục vụ tốt hơn cho đời sống của nhân dân…
Video Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh nói về cảm nhận Thủ đô sau 66 năm phát triển và đổi mới:
Sau 66 năm giải phóng, với nhiều lần quy hoạch chung được phê duyệt và triển khai, diện mạo Thủ đô đã có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô, hạ tầng kỹ thuật. Với việc mở rộng địa giới hành chính, hơn 10 năm qua, Hà Nội đã có bước phát triển nhanh chóng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đô thị.
Sự thay đổi lớn nhất của Thủ đô, theo Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, là thay đổi về không gian kiến trúc. Không gian đô thị trung tâm Hà Nội được tái cấu trúc và đang định hình rõ nét hơn. Diện mạo đô thị Thủ đô ngày càng bề thế hơn, khang trang hơn, hiện đại hơn.
Cùng với những dự án quy mô, khu đô thị mới, Hà Nội cũng đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, nhằm tăng khả năng kết nối. Đó là các công trình giao thông trọng điểm như: Đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu -Voi Phục); Vành đai 2 - tuyến đường có chiều dài hơn 43 km, chạy qua các điểm khống chế như Vĩnh Tuy - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm, tạo thành một vòng tròn vành đai khép kín; và hàng trăm hầm chui bộ hành cầu vượt.
Những vùng đất ven đô vốn một thời hoang vắng xưa kia, nay đã chuyển mình mạnh mẽ, với hàng trăm dự án quy hoạch khu đô thị mới, khu nhà ở đã, đang được triển khai như: An Khánh, Văn Quán, Thiên đường Bảo Sơn, Việt Hưng, Mỹ Đình,... Ngày càng nhiều trung tâm thương mại, mua sắm: Vincom (quận Hai Bà Trưng), Aeon Mall (quận Long Biên, quận Hà Đông); Lotte (quận Ba Đình),... hình thành, trở thành các điểm đến thương mại - văn hóa - xã hội, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.
Có thể thấy như quận Hoàng Mai - một trong những quận mới thành lập ở Thủ đô, chỉ trong một thời gian ngắn, tốc độ phát triển tăng chóng mặt, hiện là quận có dân số và mật độ dân số đông nhất của Thủ đô, cơ sở hạ tầng ở đây cũng đổi thay, hiện đại và tiện nghi nổi bật.
Còn quận Long Biên, khi mới thành lập (11/2003), chỉ là địa bàn “nửa làng, nửa phố”, nhưng đến nay, Long Biên đã trở thành một trong những quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao nhất thành phố Hà Nội. 817 dự án đầu tư xây dựng, nhiều dự án giao thông được triển khai, hoàn thành đã đưa quận Long Biên trở thành điểm nhấn đô thị phía Bắc Thủ đô. Tốc độ đô thị hóa cao, nhưng quận Long Biên đã thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Các khu đô thị như Sài Ðồng, Vincom, Việt Hưng... với quy hoạch phần diện tích cho cây xanh, giao thông, trường học chiếm tỷ lệ lớn đã đảm bảo được những tiêu chuẩn của đô thị mới, hiện đại.
Góp phần tạo nên diện mạo mới của Thủ đô hiện đại, không thể không kể đến các khu đô thị mới như: Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh, Gamuda, Ciputra, Công viên Kim Quy ... Thống kê cho thấy, thời gian qua Hà Nội đã thực hiện khoảng hơn 60 đồ án quy hoạch (quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết…), phủ kín gần 90% diện tích tự nhiên.
Nền tảng cho những đổi thay về diện mạo Thủ đô, chính là những thành tựu ấn tượng trong tăng trưởng kinh tế.
Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI, ông Phạm Thanh Học - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, kinh tế Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch tích cực; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh được cải thiện. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn liên tục tăng và vượt dự toán; lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 1.200 nghìn tỉ đồng, tăng 11,1%/năm, gấp 1,64 lần giai đoạn 2011 - 2015.
Trong vấn đề xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã xây dựng và triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình 02-CTr/TU. Hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới, tổng mức vốn huy động đầu tư trung bình hằng năm trên 12.000 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020, có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,1%, hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra. Đặc biệt, Hà Nội cũng là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới dẫn đầu cả nước.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Nông thôn mới Hà Nội: Đến nay, đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; các công trình thủy lợi nội đồng được đầu tư xây dựng đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất; nâng cấp và xây dựng các trường học, nhà văn hóa thôn đảm bảo nhu cầu giảng dạy, học tập và sinh hoạt của cộng đồng. Hầu hết các hộ dân có điện thoại, 100% xã có kết nối Internet. Diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét.
Đến cuối năm 2020, Hà Nội có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,1%, hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra, là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới dẫn đầu cả nước. Hà Nội đã triển khai và xây dựng được 15 xã nông thôn mới nâng cao. Cơ bản hoàn thành việc dồn điền đổi thửa; chuyển đổi hơn 40 nghìn ha đất trồng lúa sang các mô hình sản xuất hiệu quả cao hơn. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh cây ăn quả; chăn nuôi tập trung; trồng hoa, cây cảnh cho hiệu quả kinh tế cao. Bước đầu đã hình thành được các chuỗi liên kết trong sản xuất an toàn thực phẩm. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả tốt; đã có 1.000 sản phẩm, vượt mục tiêu đề ra và chiếm 41% cả nước.
Có được thành công về mặt kinh tế như vậy, có một phần của việc kêu gọi vốn đầu tư. Trong 3 năm, Hà Nội tổ chức thành công các hội nghị thu hút vốn đầu tư. Ngay như trong tháng 7 vừa qua, với việc tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, thành phố đã tiến hành trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn: 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. Trong đó: 100 dự án trong nước, với số vốn 227.499 tỷ đồng (vốn tăng thêm 192.215 tỷ đồng); 22 dự án đầu tư vốn FDI, số vốn 5,7 tỷ USD, vốn tăng thêm 3,4 tỷ USD; và 107 dự án đầu tư công. Tổng số dự án, số vốn tăng, tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016. Các dự án đầu tư này, tập trung vào các lĩnh vực: 25 cụm công nghiệp với 490,8ha; 800.000m2 nhà ở xã hội; 3 khu đô thị; Du lịch - dịch vụ; Trụ sở văn phòng; Văn hóa - xã hội; Tài chính - Ngân hàng; hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông;… hướng tới mục tiêu, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, thành phố thông minh, TP sáng tạo, là nơi đáng sống, phát triển năng động, có sức cạnh tranh cao; tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Song song với những thành tựu về kinh tế, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo tốt cho đời sống của người dân.
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội, cho biết: Hiện nay, an sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân Thủ đô đã và đang được tiếp tục nâng cao. Các chính sách của Nhà nước đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… được thực hiện đúng, đủ và kịp thời; ngoài ra còn ban hành và thực hiện nhiều chính sách đặc thù, riêng có của Hà Nội về phúc lợi xã hội. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 90,1%; lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 37,5%, tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 32%.
Thành phố Hà Nội đã thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; huy động nhiều nguồn lực tài chính phục vụ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; hoàn thành xây dựng nhà ở cho người có công, hoàn thành xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo (Trong nhiệm kỳ đã xây dựng 10.000 nhà ở cho người có công; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 7.565 nhà ở cho hộ nghèo).. Hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước 2 năm. Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.
Chất lượng cuộc sống của Nhân dân không ngừng được nâng cao; nhu cầu thiết yếu về các dịch vụ công cơ bản (điện, nước sạch, vệ sinh môi trường) của người dân được đảm bảo đầy đủ; cảnh quan đô thị, diện tích cây xanh, công viên được cải thiện.
Tại khu vực nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Hà Nội ước đạt 55 triệu đồng, gấp 1,36 lần năm 2016. Các chỉ tiêu quan trọng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đạt kết quả tích cực. Tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 30%; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên trên 98%.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển; nhiều lễ hội văn hóa, ẩm thực được tổ chức thường xuyên tạo sức hút cho du lịch… Bên cạnh đó, công tác quản lý đô thị được các cấp chính quyền đẩy mạnh, quản lý hè phố, vệ sinh môi trường được duy trì tốt; ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm, từng bước hình thành các điều kiện xây dựng dữ liệu lớn và thành phố thông minh.
Đặc biệt, trong năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tới đời sống xã hội, tuy nhiên, đời sống người dân vẫn được đảm bảo. Hà Nội là một trong những địa phương triển khai tích cực gói hỗ trợ 62.000 tỷ, bảo đảm song song với việc tuân thủ công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế, giữ đời sống ổn định cho người dân. Các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đã được hỗ trợ kịp thời theo quy định của Quốc hội, Chính phủ và chính sách đặc thù theo Nghị quyết của HĐND Thành phố.
Một trong những thành tựu xuất sắc của Hà Nội hiện nay chính là giáo dục – đào tạo. Hà Nội đã quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được, đạt nhiều kết quả quan trọng. Giáo dục và đào tạo của Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, về chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế: Thành tựu về giáo dục được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2019. Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2019-2020, Hà Nội dẫn đầu cả nước về chất lượng và số lượng giải, với 15 giải nhất, 44 giải nhì, 44 giải ba và 41 giải khuyến khích.
Tại các kỳ thi quốc tế, học sinh Thủ đô ghi dấu ấn với 338 giải và huy chương các loại (88 Huy chương Vàng; 105 Huy chương Bạc; 111 Huy chương Đồng; 34 giải Khuyến khích). Đặc biệt, tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 50 năm 2019 tổ chức tại Israel với sự tham gia của 78 nước và vùng lãnh thổ, học sinh Hà Nội xuất sắc giành Huy chương Vàng đưa đoàn Việt Nam đứng thứ 4/78 quốc gia tham gia.
Tại Olympic Hóa học quốc tế 2019 lần thứ 51 tổ chức tại Cộng hòa Pháp với sự tham dự của 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, học sinh Hà Nội được trao giải cho thí sinh xuất sắc nhất điểm thi thực hành với điểm tuyệt đối 40/40. Đây là lần đầu tiên thí sinh Việt Nam đạt điểm tuyệt đối phần thi thực hành trong kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế.
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Hà Nội là địa phương có số điểm 10 nhiều nhất cả nước với 416 điểm 10; số lượng điểm 9 trở lên các môn thi là 28.550 điểm.
Hà Nội, lần đầu tiên (trên cả nước) đăng cai tổ chức thành công Kỳ thi quốc tế Toán và Khoa học dành cho học sinh dưới 13 tuổi (IMSO) năm 2019, tạo ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế với kết quả tại Bảng A, đoàn học sinh Việt Nam giành 15 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc và 7 Huy chương Đồng. Tham gia 24 kỳ thi quốc tế và đạt thành tích xuất sắc với tổng số 338 giải, huy chương các loại (Huy chương Vàng: 88; Huy chương Bạc: 105; Huy chương Đồng: 111; Khuyến khích: 34).
Hà Nội tiếp tục thực hiện có chất lượng Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng; Tích cực triển khai các chương trình trao đổi giáo viên với các nước. Đưa nhiều đoàn cán bộ quản lý, giáo viên sang học tập tại các nước,… tiếp nhận giáo viên, tình nguyện viên quốc tế đến từ các nước như Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... đến tham gia giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu. ..
Với những đổi thay ngoạn mục theo hướng phát triển ngày một năng động, sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, tháng 10/2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Mạng lưới “Các thành phố sáng tạo UNESCO” được thành lập năm 2004, hiện có 246 thành phố thành viên, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Là Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, Hà Nội xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025, xây dựng phát triển thủ đô Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; định hướng đến năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố “xanh-thông minh-hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực, quốc tế; và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.
Trên cơ sở đó, Hà Nội đã đề ra kế hoạch cho những năm tiếp theo với các mục tiêu rất cụ thể: Kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, củng cố các không gian sáng tạo; triển khai dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ… tạo điều kiện cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế tiếp tục được nâng tầm. Trong tương lai, Hà Nội sẽ trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.
Cùng với việc điều chỉnh quy hoạch chung, trong thời gian qua nhiều sáng kiến đã được triển khai để đưa Hà Nội trở thành điểm hẹn văn hóa, sáng tạo. Đó là Phố sách Hà Nội, không chỉ là nơi tập hợp, mua bán, trao đổi sách mà còn là điểm gặp gỡ, giao lưu tác giả-bạn đọc, nơi tổ chức các cuộc tọa đàm để giới thiệu những cuốn sách mới, giá trị. Là không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí: biểu diễn âm nhạc đương đại, các trò chơi dân gian, nghệ thuật đường phố...
Cùng với đó là nhiều không gian văn hóa nghệ thuật, sáng tạo được hình thành tại Thủ đô, tiêu biểu như không gian Manzi (14 Phan Huy Ích, quận Hoàn Kiếm), không gian Chula (396 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ), không gian Hanoi Creative City (1 Lương Yên, quận Hai Bà Trưng) hay Vicas Art Studio (32 Hào Nam, quận Đống Đa)… Đó là nơi những câu chuyện văn hóa được nối dài, là không gian cho những thể nghiệm mới, táo bạo của giới trẻ… Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam), những không gian như vậy góp phần tạo ra bản sắc cho thành phố, tạo sự hấp dẫn, truyền cảm hứng sáng tạo và sự chia sẻ. Đây cũng là một trong những cơ sở để Hà Nội trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước, trở thành thành phố sáng tạo, hướng tới có vị trí quan trọng trong khu vực và châu Á.
Có thể thấy, tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế, định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam và Thủ đô Hà Nội, thể hiện chiến lược và tầm nhìn rộng, hướng đến sự phát triển bền vững của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, tinh thần chủ động thích ứng với xu thế thời đại và vai trò tích cực tham gia kết nối toàn cầu với bạn bè thế giới, hướng tới trở thành Trung tâm sáng tạo của khu vực.
Ngày 16/7/1999 tại La Paz - Thủ đô Bolivia, Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Thời điểm đó, Hà Nội là thành phố duy nhất của châu Á vinh dự được nhận danh hiệu cao quý này.
Sau 20 năm được công nhận là "Thành phố vì hòa bình", thành phố Hà Nội đã có nhiều thay đổi với vai trò là đầu tàu kinh tế của các tỉnh phía Bắc. Năm 2018, thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội đạt hơn 6,5 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập.
Theo đại diện UNESCO, thành phố Hà Nội đạt giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” phải là thành phố có thành tích tiêu biểu về các hoạt động trong các lĩnh vực như: Thúc đẩy đoàn kết xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, chống phân biệt đối xử và ủng hộ đối thoại cộng đồng; hoạt động mẫu mực trong phát triển văn hóa, giáo dục, đặc biệt là giáo dục công dân và thế hệ trẻ; giải quyết các vấn đề xã hội, các vấn đề về đô thị hóa và xử lý môi trường sinh thái.
Theo ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng thành phố Hà Nội vẫn đang ưu tiên nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, triển khai các bước cụ thể để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống... “Tôi cho rằng, kết quả ấn tượng nhất đối với “Thành phố vì hòa bình” là sự thân thiện, hiếu khách của người dân đối với du khách thập phương. Được đi dạo trên đường phố là một niềm vui, với rất nhiều điểm tham quan, âm thanh và thị hiếu để trải nghiệm”, ông Michael Croft đánh giá.
Đúng 20 năm sau khi đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, vào ngày 27 - 28/2 tại Thủ đô Hà Nội, “Thành phố vì hòa bình” đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2. Đây được xem là Hội nghị "vì hòa bình" mở ra cơ hội hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Hội nghị này không chỉ là cơ hội quảng bá hình ảnh Hà Nội - "Thành phố vì hòa bình" mà còn thực sự nâng tầm vị thế Việt Nam trên thế giới.
Đã 66 năm qua kể từ ngày 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn 308 tiến vào tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa rực rỡ, trong tiếng reo hò của hàng chục vạn người dân. Kể từ đó, Hà Nội, trái tim thiêng liêng của Tổ quốc, Thành phố Vì hòa bình đã 3 lần vinh dự được Nhà nước ta tặng thưởng các danh hiệu cao quý: Huân chương Sao Vàng vào các năm 1994, 2004, 2010 và danh hiệu Thành phố Anh hùng vào năm 2000…
Trong thời điểm hiện tại, trước không ít khó khăn, đặc biệt là tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát trên toàn thế giới, với rất nhiều nhiệm vụ và sứ mệnh vẫn đang tiếp tục được triển khai thực hiện, nhân dân và chính quyền, Đảng bộ Hà Nội đang tiếp tục nỗ lực không ngừng, để xây dựng Thủ đô ngàn năm văn hiến ngày một giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.
Thực hiện : Xuân Minh-Trung Nguyên-Lê Vân
Hình ảnh: Lan Anh
Trình bày: Trung Nguyên
10/10/2020 06:00