COVID-19 bùng phát lần 4, nguy cơ nợ xấu tăng cao  

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại dịch COVID-19 bùng phát lần 4 khiến nợ xấu có nguy cơ tăng cao. Nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ do bị phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch.

Chú thích ảnh
Dịch COVID-19 kéo dài khiến ngành du lịch kiệt quệ. Ảnh: TTXVN.

Nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp bên bờ vực phá sản

Lũy kế từ 15/8/2017 đến 30/4/2021, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý gần 350.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14, đạt trung bình khoảng 8.000 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình từ năm 2012 - 2017 (giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực). 

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), các TCTD đang xử lý nợ xấu rất tốt nhưng lại bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Đây là đối tượng khách hàng của ngân hàng, thu nhập giảm; đồng nghĩa khả năng trả nợ ngân hàng bị ảnh hưởng.

Lĩnh vực du lịch đang bị thiệt hại nặng nề bởi đại dịch. “Trước COVID-19, có hơn 17 triệu lượt khách đến Nha Trang nhưng khi dịch xảy ra, không có bóng dáng du khách nước ngoài nào, 95% khách sạn đóng cửa, chưa đầy 5% hoạt động nhưng là đăng ký làm cơ sở cách ly. Với tình hình này, nhiều doanh nhân và ông chủ có khả năng trở thành con nợ, doanh nghiệp bên bờ phá sản”, ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết.

Đại diện Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa bày tỏ mong muốn ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch được tiếp cận khoản vay không có lãi; đồng thời đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho các doanh nghiệp thực hiện Thông tư 01 là khoanh nợ và giảm nợ, giảm lãi suất.

Đồng tình quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng: Trong bối cảnh giãn cách, hạn chế di chuyển do dịch, lượng xe khách đến nay hoạt động chỉ khoảng 20 - 30%, trên mỗi một chuyến xe chỉ được chở lượng khách không quá 50% số ghế ngồi. Đợt dịch lần 4 bùng phát cuối tháng 4/2021, lượng hành khách đi xe lại càng giảm nhiều hơn.

"Chúng tôi mong muốn Chính phủ tìm giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp như khoanh nợ. Nếu không phát huy được kinh doanh, nợ đọng lớn, chuyển thành nợ xấu, doanh nghiệp không thể vay mới. Trước mắt, NHNN cần giải quyết khoanh nợ để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Nhiều doanh nghiệp trong ngành kiến nghị những giải pháp hỗ trợ khẩn cấp, thiết thực hơn, chủ yếu như: Giảm phí, thuế đất, giảm lãi suất cho vay, giảm thuế giá trị gia tăng về 0%", ông Bùi Danh Liên kiến nghị.

Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trước những khó khăn do dịch COVID-19, trong đó có doanh nghiệp vận tải, từ tháng 3/2020, Chính phủ đã có những gói giải pháp hỗ trợ đồng bộ, gần đây nhất là Nghị định 52 với tổng gói hỗ trợ trị giá 115.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, trước những tác động ngày càng lớn do làn sóng COVID-19 lần thứ 4 gây ra, đại đa số doanh nghiệp vận tải, những giải pháp hỗ trợ đó là chưa đủ.

Để vượt qua khó khăn lúc này, ông Nguyễn Huy Tài, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chia sẻ: Dịch bệnh đã tác động không nhỏ đối với việc thu hồi nợ, các dòng tiền khác của khách hàng đều bị ảnh hưởng, làm giảm hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng. 

"Chúng tôi đã tư vấn khá nhiều cho khách hàng có nên mở rộng, duy trì các hoạt động kinh doanh trong bối cảnh này hay không? đóng cửa chờ dịch trôi qua, để tránh tiêu hao nguồn lực. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã rà soát, đánh giá và trao đổi với khách hàng về các khoản nợ, hỗ trợ những quyết định của khách hàng làm sao tiết giảm nguồn lực, có điều kiện khôi phục hoạt động trong điều kiện mới", ông Nguyễn Huy Tài cho biết.

Kiến nghị kéo dài thời gian giãn nợ

Theo VNBA, Nghị quyết 42 hiện đang được thực hiện thí điểm, thời hạn hiệu lực ngắn là 5 năm, không áp dụng để xử lý cho toàn bộ nợ xấu của TCTD.

“Về dài hạn, việc luật hóa các quy định xử lý nợ xấu là rất cần thiết. Lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành Ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, nếu dịch COVID-19 vẫn tiếp tục kéo dài, NHNN cần có chính sách cho phép ngân hàng được khoanh nợ các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư 01 và Thông tư 03/2020/TT-NHNN (sửa đổi) về cơ cấu thời hạn trả nợ như là chính sách áp dụng tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn đối với những khoản nợ rủi ro do dịch bệnh gây ra hiện nay.

"VNBA kiến nghị Chính phủ, Quốc hội kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42. Muốn kéo dài thì phải đánh giá, tổng kết những mặt được, mặt chưa được, nếu không thì bổ sung vào các bộ luật dân sự để TCTD có hành lang thông thoáng xử lý; đề nghị NHNN và các cơ quan có thẩm quyền sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua bán nợ. Đồng thời có các chính sách ưu đãi cho các đơn vị mua, xử lý nợ xấu để góp phần đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA kiến nghị. 

Còn ông Đoàn Văn Thắng - Tổng Giám đốc Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đề nghị NHNN tiếp tục hỗ trợ khách hàng thông qua các chính sách, như có thể xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ hơn nữa.

"Chúng tôi cũng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thực tế xử lý nợ xấu, tốc độ thu nợ chậm, thậm chí bán đấu giá thành công rồi, lẽ ra bình thường người mua có thể trả ngay, nhưng hiện nay cũng xin giãn", ông Đoàn Văn Thắng chia sẻ.

Sau 4 năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết số 42 được Quốc hội ban hành ngày 21/6/2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017 đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các TCTD đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, kết quả đạt được là rất tích cực. Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần 4 đã tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao trở lại. Báo cáo tài chính quý 1/2021, nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh. Tổng giá trị nợ xấu của các ngân hàng hiện đang niêm yết (24 ngân hàng) là 91.244 tỷ đồng vào ngày 31/3, tăng 3.948 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cũng tăng nhẹ 0,02 điểm phần trăm lên mức 1,41%.
Chú thích ảnh
 
Minh Phương/Báo Tin tức
Ngân hàng rốt ráo thu hồi nợ xấu, tăng trích lập dự phòng rủi ro
Ngân hàng rốt ráo thu hồi nợ xấu, tăng trích lập dự phòng rủi ro

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có văn bản về đánh giá nhóm nợ và gia hạn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cho phép các ngân hàng tiếp tục giữ nguyên nhóm nợ để doanh nghiệp được vay vốn. Điều này giúp các ngân hàng tránh khỏi tình trạng nợ xấu gia tăng đột biến do hết thời hạn tái cơ cấu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN