Phải làm gì khi vô tình vướng “nợ xấu”

Khi vô tình vướng nợ xấu, khách hàng cần bình tĩnh kiểm tra thông tin về lịch sử tín dụng của mình: đã vay vốn ở đâu, đã thanh toán chưa, và liên hệ với các tổ chức tín dụng để được tư vấn, hỗ trợ xác minh vấn đề.

Chú thích ảnh

Gần đây, nhiều người dân bất ngờ phát hiện mình mắc nợ các tổ chức tín dụng, thậm chí bị ghi nhận là đang có nợ xấu trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), mà sau khi tìm hiểu thì nguyên nhân chủ yếu do: bị các đối tượng làm giả hồ sơ vay; cho người quen mượn CMND/Sổ hộ khẩu; bị kẻ gian lừa cung cấp giấy tờ tùy thân hoặc mã OTP…

Mới đây, một chủ doanh nghiệp tại Hà Nội bất ngờ phát hiện có khoản nợ hơn 50 triệu đồng tại một công ty tài chính dù chưa từng làm hồ sơ vay vốn tiêu dùng. Qua xác minh, công ty tài chính cho biết khách hàng này đã bị các đối tượng lừa đảo giả mạo hồ sơ để đăng ký tài khoản vay qua ứng dụng. Cụ thể, kẻ gian đã nhặt được hoặc bằng cách nào đó có được CMND cũ bị mất trước đó của khách hàng và thay hình ảnh vào phôi CMND để làm giả hồ sơ vay.

Sau khi làm rõ vụ việc, công ty này đã xóa khoản vay cho khách hàng, đồng thời hỗ trợ khách hàng thực hiện các quy trình với Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia nhằm điều chỉnh thông tin về CIC.
Cách đây vài tháng, anh T – chủ một doanh nghiệp tại Hà Nội, nhận được cuộc gọi từ ngân hàng, thông báo anh có một khoản nợ xấu do chi tiêu qua thẻ tín dụng 3 tháng chưa thanh toán. Sau khi tìm hiểu, anh T mới hay hồ sơ thẻ tín dụng được mở dựa trên chứng minh thư của mình nhưng chữ ký và số điện thoại lại là của người khác. Anh cũng cho biết đã từng có nhờ người quen cầm chứng minh nhân dân để đến lấy giúp hồ sơ tại ngân hàng. Tuy nhiên, anh không ngờ người này đã mở thẻ tín dụng đứng tên anh và đã tiêu xài gây ra nợ xấu.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến khách hàng vô tình mắc nợ xấu: "Thứ nhất là khách hàng có thể bị các đối tượng làm giả giấy tờ tùy thân. Thứ hai là khách hàng có thể cho người thân, người quen mượn hoặc vô tình để những người đó có được giấy tờ tùy thân của mình và họ sử dụng những giấy tờ đó làm hồ sơ vay ngân hàng".

Theo CIC, từ năm 2015 đến năm 2020, CIC đã xử lý 456 đơn thư khiếu nại, riêng năm 2020 là 165 đơn. Trong đó, riêng về nợ xấu chiếm khoảng 60%. Giả mạo CMND là 55 trường hợp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khách phát sinh tăng dư nợ do thiếu cảnh giác nên đã cung cấp thông tin cá nhân cho người khác.

Hiện người dân có thể tra cứu thông tin về lịch sử tín dụng hoặc nợ xấu (nếu có) của mình trên website: www.cic.gov.vn hoặc tải ứng dụng CIC Credit Connect trên điện thoại thông minh. Trong trường hợp phát hiện thông tin tín dụng của bản thân có sai sót dẫn đến nợ xấu, theo Thông tư 03/2013/TT-NHNN, khách hàng có quyền khiếu nại với CIC, tổ chức tín dụng nơi khách hàng vay vốn để yêu cầu kiểm tra, điều chỉnh lại thông tin. Việc khiếu nại có thể thực hiện qua hệ thống điện tử hoặc gửi bằng văn bản, trong đó phải nêu rõ lý do kèm theo các tài liệu, căn cứ chứng minh dữ liệu có sai sót. Sau khi tiếp nhận khiếu nại, trường hợp cần bổ sung thông tin để có cơ sở xác minh, giải quyết, tổ chức tiếp nhận khiếu nại sẽ thông báo để khách hàng cung cấp thông tin, tài liệu liên quan. Nếu hồ sơ phức tạp, quá trình điều tra, xác minh lâu hơn thì sẽ có văn bản gửi cho khách hàng thông báo về nguyên nhân kéo dài thời gian.

Để bảo vệ khách hàng trước những hành vi gian lận nói trên, các tổ chức tín dụng và các cơ quan quản lý đã liên tục khuyến cáo người dân phải đề cao tinh thần bảo mật đối với thông tin cá nhân, không cung cấp hình ảnh, giấy tờ tùy thân cho người khác, bảo vệ CMND, sổ hộ khẩu tránh bị làm rơi, thất lạc. Tuyệt đối không chia sẻ OTP cho bất kỳ ai kể cả người thân hay nhân viên của các tổ chức tài chính. Bên cạnh đó, khách hàng tuyệt đối không để bất cứ ai ký thay hồ sơ, giấy tờ dù trong bất kỳ trường hợp nào, đề phòng bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo. 

Hệ sinh thái số – nền tảng cho sự tăng trưởng của FE CREDIT
Hệ sinh thái số – nền tảng cho sự tăng trưởng của FE CREDIT

Công nghệ và chuyển đổi số đang làm thay đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh của các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Ở mảng tài chính tiêu dùng tại thị trường Việt Nam, FE CREDIT được biết đến là công ty tài chính tiên phong trong việc xây dựng hệ sinh thái số xoay quanh hành vi của người tiêu dùng nhằm mang đến những lợi ích tối ưu cho khách hàng và tạo nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng của công ty.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN