Nhà đầu tư theo dõi giao dịch tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Vietcombank. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch VN- Index tăng 9,03 điểm lên 1.159,22 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 272 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị trên 7.560 tỷ đồng. Toàn sàn có 129 mã tăng giá, 48 mã đứng giá và 162 mã giảm giá.
HNX- Index tăng 1 điểm lên 134,1 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 94,4 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 1.914 tỷ đồng. Toàn sàn có 87 mã tăng giá, 65 mã đứng giá và 95 mã giảm giá.
Trong rổ cổ phiếu VN30 (30 cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam) có 15 mã tăng giá và 14 mã giảm giá. Các mã ở chiều tăng giá có mức tăng rất mạnh, trong khi ở chiều giảm giá, các mã cổ phiếu vốn hóa lớn có mức giảm nhẹ hơn. Điều này giúp cho chỉ số VN30 tăng tới 17,33 điểm, tương ứng với 1,56%.
Các mã cổ phiếu vốn hóa lớn tăng mạnh có thể kể đến như: ROS tăng 8.900 đồng lên mức giá trần 136.200 đồng/cổ phiếu, VIC tăng 4.700 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 1,2 triệu đơn vị, VJC tăng 3.500 đồng/cổ phiếu, MSN tăng 2.300 đồng/cổ phiếu, BVH tăng 4.000 đồng/cổ phiếu, NVL tăng 5.400 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 2,6 triệu đơn vị, HPG tăng 2.900 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 5,2 triệu đơn vị. HPG cũng là mã cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh, đạt khoảng 2,4 triệu cổ phiếu.
Ở chiều giảm giá, đáng chú ý, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường VNM giảm 2.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu vốn hóa lớn thứ nhì thị trường là SAB cũng giảm 3.500 đồng/cổ phiếu. Hai cổ phiếu này cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh trong phiên giao dịch hôm nay.
Các chỉ số cũng được nâng đỡ bởi nhóm cổ phiếu dầu khí. Cổ phiếu đầu ngành dầu khí PLX tăng tới 3.300 đồng lên mức giá 86.300 đồng/cổ phiếu, PVS tăng 1.100 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 10,3 triệu đơn vị. Các mã như OIL, PVC, PVD cũng đều có mức tăng trưởng khá.
Trong nhóm cổ phiếu dầu khí BSR là cổ phiếu duy nhất có mức giảm sâu tới 1.000 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 2,1 triệu đơn vị, trong khi 2 mã dầu khí khác cũng ở chiều giảm nhưng mức giảm rất nhẹ như: PVO giảm 100 đồng/cổ phiếu và TLP giảm 200 đồng/cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt điều chỉnh với sắc đỏ lan rộng. Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn 3 mã giữ được sắc xanh là ACB, HDB và BAB; trong đó ACB có mức tăng mạnh nhất với 1.300 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 4,8 triệu đơn vị. Cổ phiếu ACB tăng mạnh là yếu tố quan trọng nhất giúp chỉ số HNX tiếp tục tăng trưởng.
Các mã ngân hàng còn lại có mức giảm khá sâu như: VIB giảm tới 1.600 đồng/cổ phiếu, BID giảm 1.100 đồng/cổ phiếu, VPB giảm 900 đồng/ cổ phiếu.
Dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng với thanh khoản tăng cao. Các mã có mức thanh khoản cao như CTG giảm 400 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 11,6 triệu đơn vị, SHB giảm 300 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 25,1 triệu đơn vị, trong khi STB cũng giảm 250 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh tới hơn 12,2 triệu đơn vị.
Dòng tiền cũng có dấu hiệu chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản, giúp nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này tăng trưởng và có giao dịch lớn. Các mã tiêu biểu như VRE tăng 800 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 1,7 triệu đơn vị, FLC cũng tăng 80 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh tới trên 14,6 triệu đơn vị. Trong khi DXG tăng tới 2.500 đồng lên mức giá trần 38.400 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 6,6 triệu cổ phiếu. Các mã như PXL, NVT cũng được kéo lên mức giá trần.