Điều này cho thấy những phiên bán mạnh đang chiếm ưu thế và nhà đầu tư chưa tự tin mua cổ phiếu ở mức giá cao. Vì vậy việc VN- Index có vượt được đỉnh trong tuần tới hay không vẫn còn là một ẩn số.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 2,2 điểm lên 1.123,41 điểm; HNX-Index giảm 0,67 điểm xuống 127,58 điểm. Thanh khoản tiếp tục cải thiện và ở mức khá cao với khoảng hơn 8.400 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn diễn ra sự phân hóa khi có nhiều mã giảm giá, điều này cũng là nguyên nhân khiến chỉ số VN- Index cứ “lình xình” không thể vượt đỉnh.
Nhà đầu tư theo dõi giao dịch tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Vietcombank. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Một số cổ phiếu trong nhóm này tăng giá mạnh, trở thành trụ đỡ cho thị trường như VIC, VJC, VNM, MSN…; trong đó VIC là cổ phiếu có mức tăng tốt nhất với 9,5%, trong khi VNM tăng 4,3%, VJC tăng 3,4%, MSN tăng 2,9%, BVH tăng 1,8%. Ở chiều giảm giá có GAS giảm 4,2%, SAB giảm 3,4%, ROS giảm 1%.
Có thể nhận thấy rằng, các mã cổ phiếu vốn hóa lớn đang có mức giao dịch khá thấp và nhà đầu tư có vẻ còn khá lưỡng lự khi ra các quyết định mua bán các mã cổ phiếu thuộc nhóm này. Rõ ràng là lực cầu đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang có chiều hướng giảm đi so với thời gian trước.
Dòng tiền đang lan sang các nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ, giúp nhiều mã thuộc nhóm này tăng giá và giao dịch rất sôi động. Ví dụ như các mã thuộc ngành xây dựng và bất động sản bao gồm HBC tăng 9,9%, NLG tăng 6,5%, TCH tăng 8,8%…; cổ phiếu ngành săm lốp như DRC tăng 12,5%, CSM tăng 7,7%…; Nhóm cổ phiếu đầu cơ cũng có tuần tăng giá mạnh với HNG tăng tới 28%, HAG tăng 12,3%, FLC tăng 6.2%, GTN tăng 9,2%, HAI tăng 7,2%…
Tuần qua, cổ phiếu ngân hàng diễn biến tăng giảm đan xen giữa các phiên giao dịch, giữa những mã cổ phiếu trong nhóm. Nếu tính chung cả tuần, nhóm cổ phiếu này hầu như là đi ngang tích lũy. Đặc biệt, khối lượng giao dịch nhóm cổ phiếu trong nhóm này đang suy giảm. Vì nhóm cổ phiếu ngân hàng có tác động rất lớn lên các chỉ số, đặc biệt là chỉ số VN- Index, trong khi đó sức mạnh của nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng đã yếu đi rõ rệt nên có thể VN- Index khó vượt đỉnh trong tuần tới.
Nhóm cổ phiếu dầu khí đang chịu áp lực bán rất mạnh do những thông tin không mấy tích cực về tình hình giá dầu thế giới. Các mã giảm mạnh trong tuần qua như: PLX giảm 3,4%, PVB giảm 6,5%, PVD 3,6%, PVS giảm 5,2%.
Một nhóm cổ phiểu cần phải nhắc tới là nhóm cổ phiếu thép. Theo giới phân tích, việc Mỹ áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm sẽ ảnh hưởng đến cổ phiếu thép trong ngắn hạn. Thực tế, trong tuần qua, nhóm cổ phiếu thép giảm khá mạnh với 2 đại diện tiêu biểu và cũng là 2 cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất ngành là HPG giảm 7,1%, HSG giảm 2,2%.
Giới đầu tư cho rằng, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết mang đến nhiều kì vọng tăng trưởng cho nền kinh tế và cho các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành như thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, hàng da, dệt may...
Tuy nhiên, trước mắt thị trường vẫn còn rất nhiều thông tin không tích cực. Đơn cử như tuần qua nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 55 tỷ đồng trên cả hai sàn; trong đó, khối ngoại đã bán ròng trên HOSE (Sàn Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh) với gần 45 tỷ đồng và bán ròng trên HNX (Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội) với hơn 10 tỷ đồng. Việc nhà đầu tư ngoại bán ròng trên sàn chứng khoán có thể gây ra nhiều tâm lý nghi ngại cho nhà đầu tư nội vào những phiên giao dịch tuần tới.
Bên cạnh đó, tuần tới Quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (VNMETF) sẽ cơ cấu lại danh mục. Theo giới đầu tư, thông thường trước kỳ cơ cấu của các quỹ ETF (Quỹ hoán đổi danh mục), thị trường sẽ có diễn biến lình xình, nhất là khi các chỉ số đang ở vùng đỉnh cao.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn, hiện tại có 4 quỹ ETF đầu tư chuyên biệt vào Việt nam với phần lớn vốn của các quỹ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Giá trị của 4 quỹ ETF là không lớn nếu so sánh với tổng giá trị đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt nam.