Phiên này, trọng tâm chú ý dồn vào chứng khoán Trung Quốc khi thị trường này ghi nhận đợt sụt giảm mạnh nhất kể từ đợt bán tháo do đại dịch COVID-19 gây ra vào tháng 2/2020.
Kết thúc phiên 25/4, Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) giảm tới 5,1% xuống 2.928,51 điểm, qua đó xóa sạch tất cả mức tăng đã đạt được kể từ khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cam kết hỗ trợ nền kinh tế và thị trường tài chính vào ngày 16/3.
Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng giảm 3,73% (tương đương 769,18 điểm) xuống 19.869,34 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Á khác cũng đi xuống trong phiên này, chủ yếu do những lo lắng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu một đợt tăng lãi suất mạnh hơn vào tuần tới.
Chiều 25/4, chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ hai liên tiếp với chỉ số Kospi tại Seoul đóng cửa giảm 1,76% (47,58 điểm) xuống 2.657,13 điểm.
Chứng khoán Nhật Bản cũng chìm trong sắc đỏ, khi chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo kết thúc phiên với mức giảm 1,90% (514,48 điểm) xuống 26.590,78 điểm.
Các thị trường Singapore, Đài Bắc, Mumbai, Bangkok và Jakarta cũng chìm sâu trong vùng giảm điểm.
Hàng chục thành phố trên khắp Trung Quốc đang bị đóng cửa toàn bộ hoặc một phần để chống dịch. Giới quan sát lo ngại điều này sẽ tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế và gia tăng nghi ngờ liệu Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm nay hay không.
Khi Thượng Hải vẫn phải vật lộn với đợt bùng phát COVID-19 trong bối cảnh thành phố này vẫn phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài, thủ đô Bắc Kinh đã bắt đầu xét nghiệm hàng loạt đối với tất cả cư dân của quận lớn nhất là Triều Dương. Động thái này diễn ra sau khi địa phương báo cáo hàng chục ca mắc COVID-19, khiến người dân phải mua tích trữ thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu khác.
Tâm lý nhà đầu tư càng xấu hơn khi có thông tin rằng một số ngân hàng nhà nước Trung Quốc sẽ cùng các tổ chức cho vay nhỏ hơn tiến hành cắt giảm trần lãi suất huy động vào thứ Hai. Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) nhiều lần cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ nền kinh tế và duy trì sự ổn định của thị trường.
Bất chấp những cam kết đó, các nhà phân tích và nhà đầu tư cho biết họ thất vọng trước việc mức cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất đều thấp hơn dự kiến. Vấn đề quan trọng vẫn là liệu Trung Quốc có nới lỏng chính sách zero COVID-19 vốn đang làm xấu đi triển vọng tăng trưởng của nước này hay không.
Trước đó, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của châu Âu đã giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày 25/4 do những mối lo ngại về tăng mạnh lãi suất ở Mỹ và kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Tính đến 7h05 giờ GMT (tức 14h05 giờ Việt Nam), chỉ số STOXX 600 “bốc hơi” 1,9% xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3 vừa qua. Chỉ số CAC 40 trên sàn chứng khoán của Pháp mất 2% và chỉ số DAX của Đức giảm 1,9%. Ngoài Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chỉ số FTSE 100 trên sàn chứng khoán London (Anh) đầu phiên giảm xuống còn 7.409,08 điểm, mất 1,5% so với mức chốt phiên ngày 22/4.
Còn tại thị trường Việt Nam, đóng phiên chiều 25/4, chỉ số VN-Index giảm 68,31 điểm xuống 1.310,95 điểm. Toàn sàn có 37 mã tăng, 443 mã giảm; trong đó, 176 mã giảm sàn và 21 mã đứng giá. Chỉ số HNX-Index giảm 21,61 điểm xuống 337,51 điểm. Toàn sàn có 54 mã tăng, 193 mã giảm; trong đó, 53 mã giảm sàn và 33 mã đứng giá.