Tính đến 7h05 giờ GMT (tức 14h05 giờ Việt Nam), chỉ số STOXX 600 “bốc hơi” 1,9% xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3 vừa qua. Chỉ số CAC 40 trên sàn chứng khoán của Pháp mất 2% và chỉ số DAX của Đức giảm 1,9%. Ngoài Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chỉ số FTSE 100 trên sàn chứng khoán London (Anh) đầu phiên giảm xuống còn 7.409,08 điểm, mất 1,5% so với mức chốt phiên ngày 22/4.
Chuyên gia phân tích Victoria Scholar thuộc dịch vụ tài chính Interactive Investor nhận định: “Mặc dù chiến thắng của ông E.Macron (trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp) khiến chính trường tại châu Âu phần nào an tâm, nhưng nhiều thị trường châu Âu đang bị những mối lo ngại lớn hơn ở tầm vĩ mô bủa vây, cũng như đang bị tác động từ đợt bán tháo mạnh trên thị trường Phố Wall ngày 22/4 và tại Trung Quốc trong đêm”.
Ngày 22/4 vừa qua, thị trường chứng khoán Mỹ “bốc hơi” hơn 2,5% giá trị khi cả 3 chỉ số chính đều giảm mạnh trước những thông tin tiêu cực bủa vây, từ những số liệu kinh doanh kém hiệu quả của nhiều công ty, khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng mạnh lãi suất, tốc độ phục hồi kinh tế chậm lại do tác động từ các lệnh trừng phạt qua lại giữa Nga và phương Tây đến ảnh hưởng từ chính sách phong tỏa chống COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc.
Cũng trong ngày 25/4, thị trường chứng khoán châu Á có phiên giao dịch tồi tệ nhất trong 1 tháng rưỡi khi lo ngại Bắc Kinh sẽ thực hiện phong tỏa để phòng COVID-19, sau động thái tương tự của thành phố Thượng Hải.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số Nikkei 225 ở Nhật Bản giảm 1,9% xuống 26.590,78 điểm, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong (Trung Quốc) giảm 3,7% xuống 19.869,34 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 5,1% xuống 2.928.51 điểm.