Bảng tỉ giá chứng khoán tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản ngày 9/11/2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chứng khoán châu Á phiên này còn nhận được động lực khi các chỉ số chứng khoán Mỹ là S&P 500 và Nasdaq phiên trước chinh phục kỷ lục mới, nhờ sự chú ý được hướng tới mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp, với lòng tin được thúc đẩy bởi các báo cáo kinh tế tích cực và hy vọng cải cách thuế sẽ thúc đẩy lợi nhuận.
Theo người phụ trách chiến lược thị trường mới nổi châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu của Bank of America Merrill Lynch tại Hong Kong, Ajay Kapur, tăng trưởng toàn cầu mạnh và lạm phát được kiềm chế là điều kiện rất thuận lợi cho chứng khoán châu Á.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chốt phiên ở mức cao kỷ lục kể từ tháng 11/1991, khi nhà đầu tư được khích lệ trước diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên. Chỉ số này tăng 0,57%, hay 135,46 điểm, lên 23.849,99 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,36%, hay 111,88 điểm, lên 31.011,41 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,13%, lên 3.413,9 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,12%, hay 3,05 điểm, xuống 2.510,23 điểm.
Các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi các cuộc đàm phán đầu tiên trong hơn hai năm giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, với hy vọng quan hệ liên Triều có thể ấm lên. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng sau các vụ thử tên lửa và hạt nhân vào năm ngoái của Triều Tiên, gây lo ngại về nguy cơ xung đột với Mỹ.
Có những lo ngại rằng đà đi lên của các thị trường trong tuần này có thể sẽ đuối dần và cũng có những cảnh báo về một sự điều chỉnh mạnh sắp tới.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD tiếp tục lên giá so với đồng bảng Anh và đồng euro, củng cố đà phục hồi nhẹ gần đây, với đồng tiền chung châu Âu không thể bứt lên mặc dù số liệu cho thấy lòng tin vào nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro đạt mức cao nhất kể từ năm 2000.
Tuy nhiên, khi cải cách thuế tại Mỹ được thực hiện và Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến sẽ bắt đầu rút dần các biện pháp kích thích, các nhà phân tích cho rằng đồng bạc xanh có thể đứng trước sức ép.