Trong phiên chiều 6/3, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn có lúc giảm 53 xu Mỹ (0,6%) xuống 85,30 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 0,6% xuống 79,21 USD/thùng.
Vandana Hari, người sáng lập đơn vị phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights, cho biết thị trường dầu mỏ vẫn đang giằng co giữa tâm lý lạc quan về việc Trung Quốc mở cửa trở lại và mối lo chính sách tăng lãi suất gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ.
Trong báo cáo công tác chính phủ do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đọc tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại, tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIV sáng 5/3 tại Bắc Kinh, nước này đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2023, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 5,5% vào năm 2022.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Ngân hàng Đầu tư UBS đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc lên 5,4% trong năm 2023 và 5,2% cho năm 2024 so các mức tương ứng trước đó là 4,9% và 4,8%.
Tao Wang, chuyên gia nghiên cứu kinh tế tại Ngân hàng Đầu tư UBS, nhận định việc mở cửa lại nền kinh tế đang diễn ra tốt hơn dự đoán trước đó, làn sóng thứ hai của dịch COVID đã không xảy ra và có rất ít dấu hiệu về sự gián đoạn nguồn cung.
Giá dầu có thể chịu ảnh hưởng do làn sóng tăng lãi suất trên toàn thế giới khi các ngân hàng trung ương toàn cầu nỗ lực chống lạm phát.
Cuối tuần qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết "rất có khả năng" họ sẽ tăng lãi suất trong tháng này để kiềm chế lạm phát.
Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có điều trần trước Quốc hội trong hai ngày 7 - 8/3, nơi ông có thể trả lời về việc Fed có cần tăng lãi suất nhiều hơn hay không. Việc tăng lãi suất trong tương lai của Fed cũng có thể phụ thuộc vào số liệu về thị trường việc làm tháng 2 và báo cáo lạm phát cùng tháng.