Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ đã khiến những ý tưởng mới tiếp tục được đưa ra, tất cả đều nhằm mang đến sự tiện lợi và nhanh chóng cho khách hàng. Trong đó có ý tưởng đặt mua hàng qua di động.
Anh Tuấn Anh (Hà Nội), khách hàng thường xuyên của cà phê Starbucks cho biết, cứ mỗi dịp cuối tuần hoặc nghỉ lễ là anh phải xếp hàng dài mới được "order" (đặt hàng) và thanh toán. Tuy nhiên với ứng dụng mới của Starbucks, anh có thể đặt hàng trước qua điện thoại và khi đến cửa hàng chỉ cần lấy đồ của mình.
"Điều này rất tiện cho những khách thích ngồi uống ở cửa hàng nhưng lại ngại khâu xếp hàng thanh toán", anh Anh chia sẻ.
Cũng giống như Starbucks, thương hiệu trà sữa của Mỹ Dunkin 'Donuts cũng cho phép khách hàng đặt hàng trước qua điện thoại di động. Cụ thể, khách hàng tải về ứng dụng Dunkin' Donuts trên điện thoại, tìm cửa hàng Dunkin 'Donuts gần nhất, sau đó đặt món, thanh toán và lấy hàng khi đến Dunkin' Donuts.
Theo ông James Cook, Giám đốc Nghiên cứu Bán lẻ của Công ty nghiên cứu thị trường JLL: "Với những món hàng mà khách muốn mua thật nhanh và cửa hàng lại đang có một dòng người chờ đợi thì việc lựa chọn đặt hàng trên di động là điều dễ hiểu”.
Zara có ứng dụng cho phép khách hàng trải nghiệm sản phẩm trước khi đến mua. Ảnh minh họa.
|
Tương tự với các hãng trên, Zara mặc dù mới vào thị trường Việt Nam nhưng hãng này đã có hẳn ứng dụng trên điện thoại dành cho các tín đồ thời trang Việt Nam. Ứng dụng này giúp các tín đồ thời trang mua sắm quần áo theo cách thuận tiện nhất nhưng vẫn đảm bảo an toàn về thông tin cá nhân.
Theo đó, phần mềm của Zara cho phép người dùng so sánh và cập nhật giá của những món đồ mới nhất, đồng thời kiểm tra tình trạng hàng mới, lựa chọn trang phục theo mùa, cập nhật những xu hướng mới, cũng như gợi cảm hứng mua sắm từ những bộ "lookbook" đẹp mắt.
Các chuyên gia về thương mại đánh giá, khi smartphone được "phổ cập", đặt hàng qua di động trở nên phổ biến hơn, các nhà bán lẻ phải nghĩ cách để phục vụ nhóm khách khách đặt hàng qua di động nhằm tránh tình trạng xếp hàng dài tại quầy nhận hàng.
Ví dụ như hãng Starbucks tại Mỹ đã thiết lập một cửa hàng tại trụ sở chính Seattle, Washington, chỉ phục vụ cho những khách hàng đặt hàng di động. Không gian và thiết kế của cửa hàng này rộng rãi và có biển báo để khách hàng biết nơi cần đến và nhận hàng.
Trong khi đó, hãng McDonald's đang chạy thử nghiệm ứng dụng đặt hàng qua di động tại 80 cửa hàng tại Mỹ trước khi áp dụng chiến dịch này trên hơn 14.000 cửa hàng toàn hệ thống.
Ngay tại Việt Nam, các rạp chiếu phim có thể nói là đi đầu trong xu hướng này khi cho phép khách hàng chọn vé và thanh toán trước, khi đến rạp chỉ cần in vé. Điều này giúp khách tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
"Nếu các nhà bán lẻ muốn đứng vững trên thương trường, họ cần phải thực hiện ứng dụng đặt hàng qua di động để có thể cạnh tranh. Tôi tin rằng mô hình này sẽ tồn tại lâu dài", ông James Cook cho hay.
Việt Nam hiện có nhiều yếu tố tiềm năng để trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp bán lẻ như: Niềm tin của khách hàng, sự bùng nổ của thương mại điện tử, tự do thương mại và hạ tầng cơ sở liên tục được nâng cấp và phát triển.
Hành vi của khách hàng cũng đang có sự thay đổi sâu sắc theo hướng sẵn sàng chi trả cho những dịch vụ tốt, hiện đại, tốn ít thời gian. Do vậy, các doanh nghiệp bán lẻ cũng cần nhanh nhạy hơn trong việc đáp ứng nhu cầu thường nhật của khách hàng.
Đáng nói là, hiện chủ yếu các thương hiệu bán lẻ ngoại áp dụng xu hướng công nghệ này, trong khi vắng bóng thương hiệu Việt Nam. Điều này đặt ra yêu cầu phải thay đổi để cạnh tranh đối với thương hiệu nội.