Nói về tham vọng của mình, Eleven System Việt Nam cho biết trong 3 năm tới công ty sẽ mở 100 cửa hàng tại Việt Nam và 1.000 cửa hàng trong 10 năm. Với mục tiêu này, công ty sẽ lên kế hoạch đưa nhân viên đến từ Nhật Bản để hướng dẫn kỹ thuật, kiến thức.
Cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đầu tiên sẽ mở cửa vào ngày 15/6 tới đây tại TP Hồ Chí Minh. |
Còn theo đại diện H&M tại Việt Nam, cửa hàng đầu tiên có diện tích khoảng 2.200 m2, không gian trải dài trên 2 tầng của trung tâm thương mại Vincom với nhiều loại thời trang có xu hướng mới nhất và giá cả phải chăng. Khách hàng cũng sẽ có cơ hội mua được những sản phẩm có giá tốt, chất lượng cao tại cửa hàng đầu tiên này. Về các mặt hàng, thương hiệu này sẽ phân phối đầy đủ các sản phẩm bao gồm thời trang cho phụ nữ, nam giới, trẻ em, giày dép, phụ kiện và đồ lót...
Đánh giá về tiềm năng về thị trường thời trang trong nước, ông Fredrik Famm, Giám đốc điều hành thị trường Đông Nam Á, cho biết trong nhiều năm vừa qua, nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng của các thương hiệu thời trang nước ngoài tại Việt Nam tăng cao do mức thu nhập được cải thiện. Theo đó, các thương hiệu thời trang nổi tiếng có mức giá hợp lý đều tới tay người dùng thông qua các cửa hàng thời trang nhỏ lẻ nhập hàng từ nước ngoài.
Với việc đổ bộ của các thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam, dự báo thị trường bán lẻ tại Việt Nam sẽ rất sôi động và cạnh tranh khốc liệt. Trong đó, thương hiệu nội sẽ bị sức ép rất lớn bởi người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn vì ngày càng nhiều hàng hóa có chất lượng, đẹp với giá rẻ.
Thực tế cho thấy, trong năm qua, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2,6 triệu tỉ đồng (tương đương 118 tỉ USD), tăng hơn 10% so với năm 2015. Tuy nhiên, năm 2016 lại cho thấy những bước lùi đáng lo ngại về thị phần của các doanh nghiệp nội. Những cảnh báo về nguy cơ doanh nghiệp ngoại thôn tính thị trường bán lẻ từ năm trước đã dần thành hiện thực.
Tuy nhiên, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam đang hướng tới một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Bởi ở đó, mọi thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp đều có quyền chia sẻ miếng bánh thị phần tùy vào khả năng cạnh tranh của bản thân và sự đón nhận của thị trường.
Để có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại, các doanh nghiệp nội phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách thay đổi tư duy quản lý, quản trị; phải nâng cao trình độ và tay nghề cho người lao động; phải tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, trang bị máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất… Có như vậy, sản phẩm hàng hóa Việt Nam sẽ giữ vững được vị trí của mình trên thị trường bán lẻ trong nước, đông thời đủ tầm để vươn xa hơn ra thị trường ngoài nước.