Theo một cuộc khảo sát, đà phục hồi sản xuất của Mỹ sau đợt suy thoái do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã chậm lại trong tháng Tư, do các nhà máy vật lộn để đáp ứng nguồn cung. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn lạc quan về triển vọng trong thời gian tới.
Bất chấp những thông tin trái chiều, giá cổ phiếu của các công ty công nghiệp lẫn các công ty năng lượng và vật liệu đều tăng cao hơn. Chiến lược gia thị trường tại National Securities, Art Hogan nhận định mặc dù số liệu trong lĩnh vực sản xuất không đạt được như kỳ vọng song vẫn ghi nhận bốn tháng tăng trưởng liên tiếp.
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,7% lên 34.113,23 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,3% lên 4.192,66 điểm, còn chỉ số Nasdaq giảm 0,5% xuống 13.895,1 điểm.
Hiện nay, các nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ, bất chấp những lo ngại liên quan đến lạm phát, giá hàng hóa tăng cao hơn và các vấn đề trong chuỗi cung ứng.
Cùng ngày 3/5, Chủ tịch chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại New York John Williams dự báo kinh tế Mỹ có khả năng đạt mức tăng trưởng 7% trong năm nay khi phục hồi sau đại dịch COVID-19. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980. Ngoài ra, ông Williams cũng cảnh báo về xu hướng "phản ứng thái quá" đối với các đợt tăng giá do hoàn cảnh đặc biệt của nền kinh tế đang phục hồi trong năm nay, đồng thời dự đoán lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2% của Fed vào năm 2022.
Phiên 3/5, thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa nghỉ lễ.