Trong khi đó, giá vàng cũng đi xuống phiên 30/4, hướng tới tuần giao dịch tồi tệ nhất của kim loại quý này trong một tháng qua do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao sau khi nền kinh tế số một thế giới tiếp nhận các tín hiệu lạc quan mới.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 241,34 điểm (0,83%), xuống 28.812,63 điểm. Lo ngại về tình trạng thiếu chip toàn cầu gần đây đã tạo sức ép lên các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, trong khi các nhà đầu tư đã điều chỉnh lượng cổ phiếu nắm giữ trước kỳ nghỉ 5 ngày bắt đầu từ cuối tuần này, khiến sắc đỏ tràn ngập thị trường chứng khoán.
Chỉ số Nikkei mất điểm trong suốt cả ngày giao dịch khi các nhà đầu tư hạn chế mua vào trước kỳ nghỉ “Tuần lễ Vàng”. Kazuo Kamitani, chiến lược gia của Công ty Chứng khoán Nomura cho biết, các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trước việc các hãng chế tạo ô tô cắt giảm sản lượng mạnh hơn do cuộc khủng hoảng chất bán dẫn toàn cầu. Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 không ngừng gia tăng tại Nhật Bản với các biến thể mới cũng làm dấy lên lo ngại rằng tình hình dịch bệnh có thể tiếp tục gia tăng trong kỳ nghỉ lễ, khiến nhiều nhà đầu tư phải bán tháo một phần tài sản trước kỳ nghỉ lễ.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Hàn Quốc chứng kiến phiên giảm điểm thứ tư liên tiếp vào ngày 30/4, khi các nhà đầu tư vẫn lo ngại về diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và việc dỡ bỏ lệnh cấm bán khống sắp tới. Đóng cửa phiên này, chỉ số Kospi hạ 26,21 điểm (0,83%), xuống 3.147,86 điểm.
Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt mất điểm, sau khi xuất hiện báo cáo cho hay tăng trưởng hoạt động chế tạo của Trung Quốc trong tháng 4/2021 chậm hơn dự kiến. Ngoài ra, những quan ngại về việc thắt chặt chính sách tiền tệ và căng thẳng thương mại Mỹ -Trung tiếp diễn cũng tác động xấu tới thị trường cổ phiếu trong phiên này. Chốt phiên 30/4, chỉ số Hang Seng giảm 2%, xuống 28.724,88 điểm, khiến mức giảm cả tuần lên tới 1,2%. Chỉ số Shanghai Composite cũng lùi 0,8%, xuống 3.446,86 điểm. Tính chung cả tuần, Shanghai Composite mất 0,8%.
Trong khi đó, thị trường vàng châu Á cũng chứng kiến phiên giao dịch cuối tuần ảm đạm, qua đó khép lại tuần giao dịch tệ nhất của vàng trong một tháng qua. Sức hấp dẫn của vàng, mặt hàng không sinh lời, đã bị ảnh hưởng đáng kể sau khi nền kinh tế Mỹ phát đi những tín hiệu sáng sủa mới khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng cao, trong khi giá palladium đã để tuột mất mức cao kỷ lục xác lập ở phiên trước đó.
Chiều phiên giao dịch ngày 30/4, tại thị trường Bengalura (Ấn Độ), giá vàng giao ngay giảm 0,1%, xuống 1.770,41 USD/ounce. Mặt hàng này ghi nhận mức giảm 0,3% cả tuần qua. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn lại bình ổn ở mức 1.7690 USD/ounce.
Tuy vậy, bất chấp đà giảm của tuần qua, giá vàng châu Á vẫn đánh dấu tháng đi lên đầu tiên kể từ đầu năm nay.
Báo cáo ngày 29/4 của Bộ Thương mại Mỹ cho hay, tăng trưởng kinh tế Mỹ đã tăng tốc trong quý I/2021 chủ yếu bởi chương trình cứu trợ quy mô lớn của Chính phủ dành cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Kết quả này giúp nền kinh tế Mỹ hướng gần hơn tới khả năng chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất trong gần bốn thập niên vào năm nay.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đang dao động ở gần mức cao nhất trong hơn hai tuần, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời.
Phiên này, giá palladium tăng nhẹ 0,2%, lên 2.958,19 USD/ounce, song vẫn không chạm được mức cao nhất mọi thời đại là 2.981,99 USD/ounce ghi nhận trong phiên trước đó. Dù vậy, giá mặt hàng này vẫn hướng tới tuần thứ ba liên tiếp và tháng thứ ba liên tiếp đi lên. Giá bạc giảm 0,6%, xuống 25,92 USD/ounce, song vẫn tăng 6% trong cả tháng qua, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2020. Giá bạch kim tiến 0,3%, lên 1.201,69 USD/ounce.
Tại Việt Nam, chiều 30/4, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,30-55,67 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).