Cụ thể, sau kỳ điều chỉnh mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng RON 95-III giảm về 24.230 đồng và E5 RON 92 là 23.350 đồng. Đây là kỳ giảm giá lần thứ 6 của giá xăng trong nước từ đầu tháng 7/2022 đến nay.
Tuy nhiên, dầu diesel tăng 1.430 đồng/lít, lên mức 25.180 đồng. Mỗi lít dầu hỏa cũng đắt thêm 1.390 đồng/lít, tăng lên 25.440 đồng/lít. Riêng dầu mazut sau nhiều kỳ liên tục giữ ổn định, thì tại kỳ điều hành này giảm 470 đồng/kg, về 16.070 đồng/kg.
Liên quan đến giá cả xăng dầu, anh Quốc Hùng, nhân viên văn phòng quận 1, Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, mức lương hay thu nhập của những người làm văn phòng theo giờ hành chính gần như cố định theo năm, nên giá xăng dầu "nhảy múa" từ đầu năm đến nay đã gây khó khăn rất lớn. Gia đình có ba con nhỏ, mà hiện tại đã bước vào năm học mới nên việc đưa đón các con hàng ngày cũng tiêu tốn chi phí không nhỏ cho khoảng tiền xăng.
Cùng quan điểm, chị Nguyễn Hoàng, cư ngụ tại quận 7, Tp. Hồ Chí Minh cho hay, từ nhà vào trung tâm thành phố mỗi ngày tiêu tốn khoảng 1 lít xăng cho cả đi lẫn về, nên hàng tháng cộng dồn thì chi phí xăng cũng là một khoảng chi tiêu "cứng" của gia đình. Vì vậy, người dân rất mong muốn thị trường giá cả xăng dầu không chỉ được bình ổn giá cả, mà còn ổn định nguồn cung, cũng như kênh phân phối và bán lẻ để sinh hoạt phí hàng ngày không bị "đội giá".
Ghi nhận ý kiến những người dân khác trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh chi thấy, ngoài lo lắng về sự biến động của thị trường xăng dầu thì vẫn chịu gánh nặng về hàng hóa tiêu dùng duy trì ở mức giá tăng cao. Trong khi giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm qua các kỳ gần đây, nhưng thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu vẫn neo ở mức giá như giai đoạn giá xăng tăng cao đột biến.
Trước đó, chiều ngày 5/6/2022, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đã làm trưởng đoàn lãnh đạo thành phố và sở, ngành đã có buổi làm việc với doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn. Tại buổi làm việc, doanh nghiệp xăng dầu cho biết, trong 8 tháng năm 2022, nguồn cung ứng xăng dầu (xăng và DO) bị khó khăn do nguồn cung bị hạn chế, hàng nhập khẩu chưa nhập về và giá thế giới tăng giảm rất nhanh, gây áp lực rất lớn cho hệ thống bán lẻ nội địa.
Điển hình, ông Võ Văn Tân, Chủ tịch Công ty Xăng dầu khu vực II Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Petrolimex Sài Gòn) cho biết, công ty có 2 đơn vị trực thuộc là Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu và Tổng kho xăng dầu Nhà Bè. Trong đó, Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu với nhiệm vụ bình ổn, đảm bảo an ninh năng lượng tại địa bàn Tp. Hồ Chí Minh và là kênh phân phối trực tiếp của Petrolimex Sài Gòn.
Còn Tổng kho xăng dầu Nhà Bè có tổng sức chứa hơn 730.000 m3, nhiệm vụ chủ yếu là đảm bảo xuất cấp xăng dầu cho địa bàn các tỉnh, thành phía Nam, đảm bảo xăng dầu dự trữ quốc gia… Trong 8 tháng năm 2022, công ty vẫn đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng cho toàn bộ chuỗi cửa hàng xăng dầu trực thuộc và ngoài ra cung ứng đủ, kịp thời cho khách hàng, không để khách hàng bị đứt nguồn cung xăng dầu.
Bên cạnh đánh giá cao sự nỗ lực của doanh nghiệp trong đảm bảo nguồn cung, phân phối, bán lẻ... trên thị trường xăng dầu, Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng cho rằng, Petrolimex Sài Gòn cần tiếp tục chủ động nguồn hàng, đảm bảo cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong thời gian tới. Đặc biệt, doanh nghiệp duy trì hoạt động bán hàng tại chuỗi cửa hàng bán lẻ xăng dầu; cung cấp liên tục, thông suốt các mặt hàng xăng dầu đáp ứng đầy đủ nhu cầu về xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.
Để chủ động, góp phần đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bản Tp. Hồ Chí Minh và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng cũng đề nghị, Sở Công Thương thành phố yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố có phương án đảm bảo việc cung ứng xăng dầu, giám sát hoạt động của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Đồng thời, phối hợp lực lượng liên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của chuỗi cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.
Mặt khác, những sở, ngành liên quan phải đồng hành cùng với doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh trong trách nhiệm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, các đơn vị phải là tăng cường kiểm tra, giám sát, quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong kinh doanh xăng dầu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Trước đó, với tình trạng nhiều cây xăng tại địa phương; trong đó có một số tỉnh, thành khu vực phía Nam đã thông báo đóng cửa, hết hàng..., Bộ Công Thương đã lập 3 đoàn công tác do 3 Thứ trưởng phụ trách, kiểm tra tình hình xăng dầu tại địa phương. Hơn thế nữa, trong quá trình thanh tra của Bộ Công Thương đã xử phạt hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành do vi phạm quy định về thiếu điều kiện kinh doanh như thiếu cửa hàng sở hữu và cửa hàng chung, thiếu đại lý hoặc thiếu kho, cầu cảng, phương tiện vận tải theo quy định đăng ký...