Sau điều chỉnh của Liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, mỗi lít xăng RON 95 giảm 439 đồng, về mức 24.230 đồng; xăng E5 RON 92 có giá mới là 23.359 đồng, giảm 366 đồng.
Trong khi đó, giá dầu lại tăng cao. Cụ thể, mỗi lít dầu diesel sẽ tăng 1.429 đồng/lít, lên 25.188 đồng/lít. Dầu hỏa cũng tăng 1.389 đồng, lên 25.445 đồng/lít. Riêng dầu mazut lại giảm 471 đồng, về 16.077 đồng/kg.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 22/8/2022-5/9/2022) tiếp tục có những diễn biến tăng giảm đan xen. Đầu kỳ, giá xăng dầu liên tục tăng cao do OPEC dự kiến cắt giảm sản lượng; lo ngại về việc Mỹ không xem xét các nhượng bộ bổ sung đối với Iran trong thỏa thuận hạt nhân Iran; sản xuất, khai thác dầu của Libya và Nigieria không cải thiện; tồn kho xăng dầu của Mỹ giảm trong khi mùa mưa bão tại Mỹ đang đến gần ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và vận chuyển dầu thô.
Đến cuối kỳ, giá xăng dầu lại có xu hướng giảm do đồng USD tăng giá; nhiều nước áp dụng chính sách tăng lãi suất ngân hàng để kiểm soát lạm phát cùng với tình trạng dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn căng thẳng làm kỳ vọng nhu cầu giảm…
Nhìn chung, giá xăng dầu trong kỳ vừa qua diễn biến có tăng, có giảm nhưng xu hướng chung là tăng cao đối với dầu diesel và dầu hỏa và giảm nhẹ đối với xăng và dầu mazut.
Tại kỳ điều hành này, cơ quan quản lý trích quỹ bình ổn đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 451 đồng/lít (như kỳ trước), xăng RON95 ở mức 493 đồng/lít (như kỳ trước), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 250 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 400 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 641 đồng/kg (như kỳ trước).
Trước đó, thị trường trải qua nhiều biến động với 5 lần giá xăng giảm liên tiếp. Phiên gần đây nhất (ngày 22/8), giá xăng được giữ nguyên. Trong khi đó, giá dầu có chiều hướng tăng mạnh. Ngày 22/8, dầu diesel cũng đã tăng 850 đồng mỗi lít, dầu hỏa tăng 730 đồng/lít.
Trước kỳ điều chỉnh giá vài ngày, không ít cửa hàng xăng dầu tại một số địa phương trên cả nước đã xảy ra tình trạng hết hàng. Trước nỗi lo đứt gãy nguồn cung, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị việc điều chỉnh giá linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả vào ngày thứ 7, Chủ nhật và nghỉ lễ, Tết... để giá trong nước không lệch pha quá lớn với thế giới.
Trước đó, tại cuộc họp khẩn về đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên phạm vi cả nước diễn ra vào sáng ngày 26/8, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, về xăng dầu trong nước, tháng 8 có 2,8 triệu m3 cả tồn kho gối đầu phải duy trì sang các tháng tiếp theo khoảng 1 – 1,3 triệu m3; nguồn tiêu thụ trong tháng khoảng 1,5-1,7 triệu m3. Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chỉ đạo 2 Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn 6 tháng cuối năm và kế hoạch đăng ký với Bộ là quý III sẽ sản xuất 3,9 triệu m3, chiếm 72% tổng nhu cầu, quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3, chiếm 80% tổng nhu cầu.
“Về cơ bản, lượng sản xuất trên theo kế hoạch đã đưa ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Hiện nay, cả 2 nhà máy đều đang vận hành công suất tối đa. Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong 6 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường. Về tồn kho, tồn kho xăng dầu từ tháng 7 chuyển sang là 1 triệu m3, đến ngày 25/8 dự kiến là 0,9-1 triệu m3”, ông Trần Duy Đông thông tin.
Về nhập khẩu, theo chỉ đạo của Bộ, các doanh nghiệp cũng nhập khẩu theo tiến độ được giao, ước nhập khẩu tháng 8 là 520 nghìn m3 và dự kiến các tháng cuối năm, mỗi tháng doanh nghiệp nhập khẩu 500 ngàn m3. Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, theo ước tính 1,6-1,7 triệu m3/1 tháng.
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, nguồn cung từ trong nước và nhập khẩu cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng và hoạt động sản xuất.