Giá xăng dầu phục hồi trở lại giúp chỉ số MXV-Index Năng lượng tăng mạnh hơn 5% là yếu tố chính dẫn dắt đà tăng của giá hàng hóa.
Dòng tiền duy trì ổn định đối với kênh đầu tư hàng hóa, và tăng nhẹ lên sát mức 4.000 tỷ đồng mỗi phiên. Trong đó, nhóm năng lượng tiếp tục đóng vai trò quan trọng và thu hút thị trường với giá trị giao dịch tăng hơn 10% lên mức trung bình 1.800 tỷ đồng.
Dầu đậu tương giảm mạnh bất chấp giá dầu thô phục hồi
Kết thúc tuần giao dịch 06/12 – 12/12, các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên Sở Chicago đóng cửa với các mức thay đổi trái chiều nhau.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 01 tăng nhẹ không đáng kể 0,04% lên mức 1267,75 cent/giạ. Sau khi giảm khá mạnh trong nửa đầu tuần do sức ép từ diễn biến của giá dầu đậu, đậu tương đã phục hồi trở lại trong nửa cuối tuần do lo ngại về tình trạng khô hạn ở miền nam Brazil, cùng với các số liệu bán hàng tích cực của Mỹ cho Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu đậu tương số 1 thế giới.
Trong khi đó, áp lực bán đè nặng lên giá dầu đậu sau khi chính quyền tổng thống Joe Biden quyết định cắt giảm yêu cầu pha trộn nhiên liệu sinh học trong năm 2020 và 2021, sau nhiều lần trì hoãn. Bất chấp việc giá dầu thô WTI tăng mạnh hơn 8% và dầu cọ cũng tăng hơn 3%, giá dầu đậu tiếp tục giảm hơn 6% về mức 53,69 cent/pound. Trong bối cảnh giá đậu tương đi ngang, việc giá dầu dậu giảm mạnh cùng lực mua kỹ thuật ở vùng hỗ trợ 350 đã giúp khô đậu tăng khá mạnh 2,3% lên mức 366,8 USD/tấn Mỹ.
Giá lúa mì Chicago kỳ hạn tháng 03 tiếp tục giảm 2,3% về mức 785,25 cent/giạ, sau khi đã giảm mạnh hơn 4% trong tuần trước đó. USDA tăng dự báo tồn kho lúa mì Mỹ và thế giới niên vụ 21/22 trong báo cáo Cung – cầu nông sản tháng 12, cao hơn các dự đoán của thị trường, là yếu tố chính gây sức ép lên giá lúa mì trong tuần vừa rồi.
Trong khi đó, dù giá ngô và lúa mì thường diễn biến song song với nhau, nhưng việc tồn kho ngô Mỹ và thế giới 21/22 không có thay đổi đáng kể nào trong báo cáo Cung – cầu vừa rồi, kết hợp với triển vọng tiêu thụ tích cực khi sản lượng ethanol tăng mạnh trở lại đã giúp giá ngô kết thúc tuần với sắc xanh.
Giá cà phê suy yếu vì áp lực chốt lời
Các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp kết thúc tuần vừa qua với diễn biến trái chiều. Thị trường cà phê bước vào giai đoạn giảm điều chỉnh với giá Arabica đóng cửa tuần giảm 4,4% còn 232,6 cents/pound. Đáng chú ý, đây là tuần đâu tiên sau 5 tuần mà giá Arabica đóng cửa trong sắc đỏ. Giá Robusta cũng giảm 0,4% còn 2.376 USD/tấn.
Triển vọng lâu dài của thị trường cà phê vẫn được hỗ trợ nhờ vào những lo ngại về nguồn cung, tuy nhiên trong ngắn hạn, một đợt giảm điều chỉnh là điều cần thiết để mức tăng trưởng được bền vững hơn. Mức tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE tăng nhẹ trong tuần vừa qua lên 1,6 triệu bao, tuy nhiên vẫn đang thấp gần nhất trong cả năm nay.
Ngoài ra, thị trường cà phê cũng đang ở mức đỉnh lịch sử trong một thập kỷ, nên đã có rất nhiều nhà đầu tư chốt lời trong tầun vừa qua. Ngoài ra, yếu tố đầu cơ cũng tăng mạnh trong năm vừa qua, khiến cho sự tăng giảm của giá nhiều khi nằm ngoài những yếu tố cơ bản về cung cầu.
Giá bông có tuần dầu tiên đóng cửa với sắc xanh sau ba tuần giảm liên tiếp, với mức tăng gần 2% lên 106,23 cents/pound. Ngoại trừ phiên tăng vào thứ hai, thị trường đi ngang và giằng co xung quanh mức 106 cents, khi các nhà đầu tư đều đang tìm kiếm một chất xúc tác mới để khôi phục đà tăng của giá.
Thị trường đường cũng có một tuần giao dịch sôi động khi mà giá đường 11 và đường trắng đều tăng hơn 5% lên lần lượt là 19,7 cents/pound và 511,4 USD/tấn. Giá đường đang được dẫn dắt bởi giá dầu thô trong giai đoạn này, nên khi giá dầu thô tăng trở lại, giá đường cũng được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra những ước tính tiêu cực về nguồn cung đường cũng là yếu tố góp phần gia tăng sức mua trong tuần vừa qua. Đáng chú ý, tồn kho đường cuối niên vụ 2021/22 tại Hoa Kỳ được dự báo ở mức 1,68 triệu tấn Mỹ, so với mức 1,76 triệu tấn được đưa ra vào tháng 11 và 1,7 triệu tấn trong năm 2020/21.
Sắc xanh áp đảo trên bảng giá của các mặt hàng kim loại
Trong khi giá bạc giảm 1,3% về 22,2 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,9% lên 934,2 USD/ounce. Thị trường kim loại quý đang đối mặt với nhiều sức ép trước thềm cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên Bang diễn ra vào tuần này.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI được công bố vào cuối tuần trước vẫn cho thấy một mức lạm phát cao, cùng với các số liệu việc làm tích cực sẽ là yếu tố thúc đẩy FED “mạnh tay” hơn trong việc cắt giảm những gói thu mua tài sản. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục rất tốt trong tuần vừa qua, thu hút một lượng vốn lớn và đồng thời cũng làm giảm sức hấp dẫn của bạc và bạch kim.
Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng giằng co mạnh trong cả tuần rồi kết thúc tuần cao hơn 0,5% ở mức 4,287 USD/pound. Bất chấp gói kích thích gần 200 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, triển vọng của thị trường vẫn không khả quan trong ngắn hạn.
Ngoài ra, việc tập đoàn bất động sản Evergrande tuyên bố vỡ nợ và bị hạ mức tín nhiệm trong tuần vừa qua cũng khiến cho giá đồng gặp nhiều sức ép, nên mức đóng cửa tuần không tăng mạnh.
Giá quặng sắt tăng mạnh gần 7% trong tuần vừa qua lên 108,4 USD/tấn. Mức tăng tuy nhiều nhưng không phản ánh triển vọng của thị trường, bởi từ nay đến hết quý I năm sau, Trung Quốc vẫn kiên định với chính sách cắt giảm sản lượng thép để giữ gìn bầu không khí trong lành cho kỳ Thế vận hội mùa đông, diễn ra vào tháng 3/2022.
Dầu thô bật tăng trở lại sau 6 tuần giảm liên tiếp
Giá dầu đóng cửa trong sắc xanh tuần vừa rồi khi các lo ngại về biến thể Omicron của vi-rút COVID-19 giảm dần. Cụ thể, giá WTI tăng 816% lên 71,67 USD/thùng, giá Brent tăng 7,54% lên 75,15 USD/thùng, mức tăng cao nhất trong vòng 3 tháng.
Mặc dù mới chỉ là thống kê ban đầu, hiện tại vẫn chưa có ca tử vong nào do chủng COVID-19 mới gây ra sau hơn 2 tuần kể từ khi xuất hiện. Điều này gợi ý Omicron có thể không tạo ra nhiều ảnh hưởng đáng lo ngại như chủng Delta và giúp hỗ trợ tâm lý thị trường tài chính nói chung và thị trường dầu thô nói riêng.
Nhu cầu đi lại tại các khu vực trên thế giới, tiêu biểu là Mỹ và Trung Quốc tiếp tục được giữ vững, thể hiện qua dữ liệu về các chuyến bay cũng như về tình hình giao thông tiếp tục gia tăng. Phát biểu trong hội nghị ngành dầu khí tuần trước, các công ty lớn như Vitol Group, BP Plc đều cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới đã tiến rất sát, thậm chí là bằng so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Hơn thế nữa, kỳ vọng về hiệu quả từ các vắc-xin hiện tại đối với biến thể mới cũng giúp cho thị trường đi lên.
Bên cạnh đó, cuộc đàm phán hạt nhân giữa các nước phương Tây và Iran không đạt được nhiều triển vọng, cũng khiến cho xác suất Iran được gỡ bỏ các lệnh cấm xuất khẩu dầu thấp dần. Đức và Anh cảnh báo thời gian cho các cuộc thương thảo ngày càng ít và không có nhiều hy vọng các bên sẽ tìm được tiếng nói chung khi Iran kiên quyết giữ các lập trường cứng rắn của mình.
Bất chấp xu hướng chung của nhóm năng lượng, giá khí tự nhiên tại Mỹ vẫn giảm 5% trong tuần vừa rồi xuống mức 3,925 USD/MMBTu.