Nhóm nông sản cùng một số mặt hàng nguyên liệu công nghiệp nghỉ giao dịch do các Sở của Mỹ đóng cửa nhân kỷ niệm Ngày của Tổng thống, khiến cho giá trị giao dịch giảm gần 1 nửa xuống chỉ còn 2.800 tỉ đồng.
Giá dầu tăng trở lại trong ngày hôm qua, khi căng thẳng giữa các nước phương Tây và Nga leo thang trở lại. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô WTI tăng 3,46% lên 93,33 USD/thùng, giá Brent tăng 1,75% lên 92,99 USD/thùng.
Mở phiên đầu tuần, giá biến động mạnh ngay từ khi mở cửa. Giá nhảy vọt (gap-up) ngay đầu phiên do thông tin Nga duy trì hiện diện quân đội tại Belarus bất chấp kết thúc các cuộc tập trận theo kế hoạch. Tuy vậy, khả năng Mỹ và Nga cùng tham gia cuộc họp thượng đỉnh do Pháp kêu gọi đã khiến giá gặp áp lực trở lại trong suốt phiên sáng.
Bên cạnh đấy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran, Saeed Khatibzadeh, cho biết các cuộc đàm phán tại Vienna về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới đã đạt được "tiến bộ đáng kể".
Giá dầu WTI chỉ phục hồi mạnh vào phiên tối nhờ các thông tin mới từ khu vực Biển Đen, sau khi tổng thống Nga chính thức công nhận 2 nước cộng hòa ly khai tự xưng ở miền đông Ukraine.
Trong khi đó, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Michelle Bowman gợi ý rằng lãi suất có thể tăng thêm nửa điểm phần trăm vào tháng tới nếu kết quả về lạm phát quá cao.
“Tôi ủng hộ việc tăng lãi suất quỹ liên bang tại cuộc họp tiếp theo của chúng ta vào tháng 3 và nếu nền kinh tế phát triển như tôi mong đợi, việc tăng lãi suất bổ sung sẽ là phù hợp trong những tháng tới,” Bowman nói. “Tôi cũng như tất cả các đồng nghiệp của mình sẽ theo dõi sát dữ liệu để đánh giá mức độ gia tăng thích hợp tại cuộc họp tháng 3”.
Khí tự nhiên tăng rất mạnh 7,31% lên 4,697 USD/MMBTu sau các động thái của Nga. Khả năng các lệnh trừng phạt nhắm đến ngành năng lượng của Nga đang thúc đẩy các mặt hàng năng lượng nói chung và đặc biệt là khí tự nhiên, do châu Âu vẫn đang phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung từ Nga.
Việc giá các mặt hàng năng lượng liên tục tăng cao thời gian qua đã khiến thị trường bán buôn, bán lẻ và người tiêu dùng các sản phẩm xăng dầu lo ngại về chi phí đắt đỏ. Trên thị trường nội địa, giá xăng RON vẫn neo cao ở mức 26.000 – 27.000 đồng/lít.