Xuất khẩu tuy đạt kỉ lục nhưng vẫn chưa bền vững

Nếu không tính hai mặt hàng là điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử, tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 chỉ đạt 15,8%, thay vì 21,2%.

Tại Hội nghị "Giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu năm 2018" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 23/4, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Năm 2017 là một năm thành công của xuất khẩu Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Xuất khẩu đã chuyển từ dựa mạnh vào dầu thô sang dựa mạnh vào nhóm hàng điện tử (chiếm tới 33% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Sản xuất phụ kiện điện thoại di động tại Công ty RFTECH Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý: Nếu không tính 2 mặt hàng là điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử, tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 chỉ đạt 15,8%. Đây là một trong những mặt còn tồn tại của xuất khẩu năm qua.

Xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm trên 70% xuất khẩu. "Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng (vì chiến tranh thương mại, vì dịch chuyển chuỗi cung ứng dưới tác động của các FTA trên thế giới...), xuất khẩu của ta sẽ chịu tác động mạnh hơn", Bộ trưởng nhận định.

Mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực châu Á (chiếm tới 52,7%). Đặc biệt, một số mặt hàng phụ thuộc vào một thị trường duy nhất như sắn, cao su, thanh long…

Sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát, dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung dành cho xuất khẩu. Đặc biệt, sản xuất manh mún khiến chất lượng nông, thủy sản không đồng đều, rất khó kiểm soát vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc. Đây đó vẫn xuất hiện tình trạng sản phẩm xuất khẩu bị trả về do không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm (thủy sản, hạt tiêu, gạo), ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu của hàng Việt Nam.

Với nông sản, mặc dù đã làm tốt công tác đàm phán để cắt giảm thuế nhập khẩu trên thị trường ngoài (thông qua các Hiệp định FTA song phương và đa phương) nhưng việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng và quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng nông sản của ta vẫn chưa thâm nhập được (như sữa, thịt lợn, rau quả).

Với những hạn chế như trên, Bộ Công Thương đã đề xuất 3 nhóm giải pháp lớn. Về phía cung là các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường, tháo gỡ các vướng mắc về thuế và kiểm tra chuyên ngành... Về phía cầu, Bộ Công Thương đưa ra các giải pháp về mở cửa, phát triển thị trường, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại... Ngoài ra, là các giải pháp tác động vào khâu tổ chức sản xuất, kết nối giữa cung và cầu.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Lần đầu tiên chôm chôm Việt Nam xuất khẩu sang New Zealand
Lần đầu tiên chôm chôm Việt Nam xuất khẩu sang New Zealand

Cục Bảo vệ Thực vật cùng Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam tổ chức Lễ công bố xuất khẩu quả chôm chôm Việt Nam sang New Zealand.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN