Tín dụng lãi suất thấp: Tiếp cận dễ mà khó

Trong lúc dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới và nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp do tác động của dịch bệnh thì Chính phủ cùng một số bộ, ngành liên tục đề xuất nhiều gói cứu trợ để tiếp sức cho doanh nghiệp.

Vấn đề là chính sách đã đáp ứng đầy đủ, chính xác nhu cầu và giúp người dân dễ dàng tiếp cận hay chưa? Phóng viên TTXVN đã ghi nhận và tổng hợp một số ý kiến về vấn đề này.  

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại BAOVIET Bank, số 8 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

* Bà Ngô Thu Hằng, Tổng giám đốc Trung tâm Đăng Kiểm Bách Việt

Trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, tình hình bão lũ xảy ra liên tiếp ở nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung đang gây nhiều thiệt hại, tổn thất đối với không chỉ các địa phương, mà còn tác động tới hầu hết cộng đồng doanh nghiệp trong nước.... Nhu cầu về tài chính, tín dụng nhằm phục hồi sản xuất, tập trung thúc đẩy những ngành nghề sản xuất trực tiếp và tạo việc làm cho người lao động đang rất bức thiết.

Tôi từng chứng kiến một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nhiều hộ gia đình mất trắng cơ nghiệp. Huy động nhiều trăm triệu đồng từ vay ngân hàng để nuôi thả con giống; xây dựng chuồng trại chăn nuôi; tạo dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất… nhưng bão lũ về đã cuốn trôi hết. Còn lại nợ nần chất chồng và nhiều gia đình chịu cảnh khánh kiệt. 

Trước bão lũ, chúng tôi cũng nghe nói về các gói cứu trợ giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, hay mới đây là chủ trương tăng cường cho vay tín dụng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ và các gói tín dụng vẫn không hề dễ dàng.

Nhiều gia đình, hộ sản xuất cũng không đủ kiến thức, nhận thức để thực thi hết các quy trình, thủ tục theo yêu cầu của các cơ quan sở ngành để được nhận hỗ trợ. Chúng tôi cần những điểm tựa niềm tin về chính sách của Nhà nước, cần sự đồng cảm, chia sẻ của các cấp, ngành, các hiệp hội và kể cả các doanh nghiệp đồng cảnh.

* Ông Nguyễn Đức Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Vietnambuildings, Chủ tịch PAC 

Năm 2020 là một năm khó khăn, căng thẳng với nền kinh tế thế giới, kinh tế trong nước và đương nhiên, các doanh nghiệp không thể nằm ngoài vòng xoáy ấy. Dịch bệnh, thiên tai và cả áp lực về cạnh tranh kinh tế toàn cầu khiến các doanh nghiệp lao đao.

Về nhu cầu vốn, thực sự, doanh nghiệp khát vốn là hiện trạng đương nhiên. Nhất là khi toàn bộ khối doanh nghiệp đang cạn kiệt nguồn lực do dịch bệnh kéo dài, tác động trực tiếp, gián tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế tới mức hàng loạt doanh nghiệp phải dừng hoạt động, phải phá sản….

Chú thích ảnh
Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Ninh. Ảnh minh họa: Thái Hùng/TTXVN

Chuyện chiếm dụng vốn lẫn nhau, nợ đọng không có khả năng thu hồi, lại thêm thị trường hàng hóa chậm lưu thông khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại vay ngân hàng lại gánh thêm nợ nần. Co cụm, để bảo toàn lực lượng là tâm thế của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

* Ông Đặng Ngọc Thanh, nguyên Phó Tổng Giám đốc, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh (HIFC)

Chủ trương thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay là đúng định hướng, thay vì để nền kinh tế ngưng trệ, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí bị đẩy tới “đường cùng” và đương nhiên người lao động có thể chịu cảnh mất việc làm hàng loạt.

Qua thực tiễn quan sát, những công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công thường có quy mô lớn, gồm nhiều đối tác hợp doanh, góp vốn nên khó khăn kinh tế của đơn vị này có thể dẫn tới nguy cơ tác động liên đới hay ảnh hưởng gián tiếp tới đơn vị kia và kể cả kết quả thực hiện cũng sẽ bị chậm tiến độ theo. Vì lẽ đó, ngành tài chính, ngân hàng nên xem xét, điều tiết nguồn lực, giải quyết chế độ cho vay đối với các doanh nghiệp, các chủ đầu tư theo hướng “hỗ trợ” là cơ bản.

Tôi vẫn được nghe sự phản ánh từ nhiều đơn vị về việc phải vay, tìm nguồn vốn cho vay với lãi suất khoảng 10%. Như vậy là không hề thấp, nếu không muốn nói là rất nặng gánh cho doanh nghiệp.

Bởi, các dự án công trình hạ tầng thường thu hồi vốn chậm, thủ tục thanh lý hợp đồng phức tạp, phải thông qua nhiều cấp ngành… Nếu muốn tận dụng cơ hội và quãng thời gian này để nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo bước đệm và bàn đạp cho nền kinh tế có bước nhảy vọt khi thời cơ tới, nhất là trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, thì theo tôi, Chính phủ cần một giải pháp tổng thể về cơ chế tín dụng cho các công trình, dự án hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Từ đó mới mong giải ngân nhanh chóng nguồn vốn đầu tư công, sớm tạo diện mạo mới về bộ mặt hạ tầng cơ sở của nhiều địa phương, cũng như sử dụng được hiệu quả các nguồn lực khác được huy động từ xã hội.

Ngọc Quỳnh (TTXVN)
Tín dụng những tháng cuối năm dự báo nhiều khởi sắc
Tín dụng những tháng cuối năm dự báo nhiều khởi sắc

Đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN