Nhanh hơn và mạnh hơn, trong vòng 1 tháng, các ngôi sao hàng đầu sẽ phải dốc sức để giành chiếc Cúp vàng thế giới tại Brazil. Nhưng đằng sau những cầu thủ được chuẩn bị kỹ lưỡng về thể lực và phong độ đó luôn ẩn chứa nguy cơ chấn thương cao.
“Trong những đội bóng xuất sắc, luôn có từ 20 - 30% các cầu thủ bị chấn thương. Đó là một vấn đề lớn”, giáo sư Ewald Hennig nhấn mạnh. Ông Hennig là một chuyên gia về sinh cơ học của Đại học Duisburg - Essen (Đức), chuyên nghiên cứu về sự chuyển động cơ học của các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.
Trung vệ David Luiz của đội tuyển Brazil trong buổi kiểm tra thể lực tại Rio de Janeiro ngày 26/5. Ảnh:zimbio |
Trên thực tế, bóng đá là một trong những môn thể thao dễ dẫn tới chấn thương nhất, vì nó đòi hỏi cầu thủ vừa phải tăng tốc, vừa phải thực hiện các động tác xoay, vặn cơ thể và lại không tránh khỏi những va chạm mạnh với cầu thủ đối phương. Ở một giải đấu có tính cạnh tranh cao như World Cup, chấn thương lại càng dễ xảy ra.
Những chấn thương thường xảy ra nhất trong bóng đá đều liên quan đến đôi chân: Tổn thương cơ, bong gân, rách dây chằng đầu gối, gãy ngón chân và thậm chí là gãy ống quyển. Theo một nghiên cứu mới đây, được thực hiện trên những cựu cầu thủ chuyên nghiệp trong độ tuổi 30 - 49, có tới 40 - 80% trong số họ mắc bệnh thoái hóa khớp gối, so với tỷ lệ 15 - 25% ở người bình thường.
Hiểm họa từ... chiếc giày
Theo các chuyên gia, mức độ chấn thương hiện nay tăng lên, vì những mùa giải kéo dài, vì đòi hỏi của khán giả về những trận đấu quyết liệt, cũng như xuất phát từ một số dụng cụ tập luyện.
Do quãng thời gian ngắn ngủi giữa các giải vô địch quốc gia và World Cup, nên một số cầu thủ ngôi sao đang phải chạy đua với thời gian để hồi phục chấn thương. Tuy vậy, nguy cơ lỡ ngày hội bóng đá tại Brazil của họ vẫn đang rình rập. Đó là Diego Costa (Tây Ban Nha), Radamel Falcao (Colombia), Luis Suarez (Uruguay)... Nhưng ngay cả khi kịp hồi phục, liệu họ có thể hiện được phong độ cao nhất và tránh được chấn thương tái phát tại Brazil? |
Giáo sư Hennig cho biết, quá trình tập luyện là một phần nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng chấn thương, bởi xu thế chung là việc tập luyện đang ngày càng có những đòi hỏi khắt khe.
Theo thời gian, việc rèn luyện cơ bắp ở các cầu thủ ngày một phức tạp hơn. Trước đây, các huấn luyện viên thường chỉ yêu cầu các cầu thủ chạy leo dốc và khi xuống thì đi bộ. Nhưng nay, cầu thủ phải chạy tới, chạy lui trên những bậc cầu thang. Áp dụng giáo án của môn điền kinh, kỹ thuật trên nhằm gây tác động lên hệ thần kinh, giúp cầu thủ phản ứng nhanh hơn và tăng cường sự phối hợp cơ. Tuy vậy, khi cầu thủ tạo ra một áp lực lớn hơn lên các khớp và xương, áp lực đó làm tăng nguy cơ chấn thương.
Đặc biệt, chính những đôi giày thi đấu cũng là một nguyên nhân chấn thương. Nếu như trước đây, giày chủ yếu nhằm bảo vệ mắt cá chân và kích thước lớn của nó (có thể nặng tới 1 kg) giúp cản lực từ những cú vào bóng mạnh của đối phương, thì giờ đây, giày chỉ nặng hơn 100 g. Cảm giác bóng của cầu thủ sẽ “thật” hơn, nhưng đổi lại, bàn chân và mắt cá chân của họ dễ bị tổn thương hơn.
Sự mệt mỏi về thể lực và tâm lý của cầu thủ cũng dễ được nhìn thấy, vì nhiều giải vô địch quốc gia chỉ kết thúc vài tuần trước World Cup. Theo đánh giá của ông Jean - Francois Toussaint, Giám đốc Viện Nghiên cứu y sinh học và dịch tễ học thể thao (Irmes) tại Paris (Pháp), các cầu thủ cần một quãng nghỉ 1 tháng giữa giải vô địch quốc gia và World Cup.
Mặc dù vậy, ông Toussaint cũng cho biết thêm, thời gian hồi phục thể lực giữa mỗi cầu thủ là không giống nhau và nếu không để ý tới điều này, nguy cơ chấn thương trong quá trình tập luyện sẽ càng cao hơn.
Công cụ hỗ trợ “high - tech”
Dù không thể loại bỏ chấn thương, nhưng khoa học có thể giúp các cầu thủ tự bảo vệ mình tốt hơn. Các thiết bị hiện đại ngày nay cho phép các huấn luyện viên xác định được chính xác thời điểm dễ xảy ra chấn thương nhất, đó là khoảng thời gian 15 phút cuối các trận đấu. Theo kết quả nghiên cứu các dữ liệu của 3 kỳ World Cup gần đây của Học viện Sahlgrenka (Thụy Điển), những thời điểm “nhạy cảm” chấn thương khác là: Khi cầu thủ vừa nhận thẻ vàng, khi ghi bàn thắng, hay khi đội nhà chơi áp đảo...
Trong khi đó, nhiều đội bóng đang áp dụng liệu pháp làm lạnh, một kỹ thuật buộc cầu thủ phải ngâm mình trong những bể nước đá hoặc các phòng nitơ. Dù việc đánh giá về sự cải thiện phong độ của cầu thủ phải dựa vào nhiều yếu tố, nhưng ít nhất, những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, liệu pháp làm lạnh có những tác động lên sự chuyển hóa đường của cơ thể. Phương pháp này hiện được sử dụng để ngăn những phản ứng viêm và giúp quá trình tái sinh cơ trở nên dễ dàng hơn.
Ngoài những nỗ lực nhằm cải thiện thể lực cho cầu thủ, các đội tuyển ngày càng ưa sử dụng chuyên gia tâm lý, nhằm đảm bảo cho các cầu thủ luôn ở trạng thái tâm lý cân bằng.
Tuy nhiên, nguy cơ chấn thương không thể mất hết đi được, nếu không muốn nói rằng đó là một phần tất yếu của cuộc chơi đỉnh cao như World Cup. Giáo sư Hennig kết luận: “Khán giả muốn một lối chơi hấp dẫn, tốc độ và quyết liệt. Các cầu thủ cũng luôn muốn giành chiến thắng. Chấn thương là khó tránh khỏi”.
Bảo An