Đưa nhiều hơn các môn thể thao của Asian Games và Olympic vào sân chơi SEA Games

Ngày 17/9, Văn phòng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) (Bangkok, Thái Lan) tổ chức họp theo hình thức trực tuyến.

Chú thích ảnh
Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội, Việt Nam). Ảnh minh họa: Trung Nguyen/Báo Tin tức

Mục đích của phiên họp là thông qua Biên bản họp Văn phòng SEAGF kỳ họp ngày 8/7 cập nhật tình hình dịch COVID-19 mỗi nước, cập nhật về SEA Games 31 tại Việt Nam, SEA Games 32 tại Campuchia, Đại hội thể thao Trong nhà và Võ thuật châu Á tại Thái Lan năm 2022; đóng góp ý kiến vào Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Thể thao ASEAN về củng cố nền tảng vững chắc cho các vận động viên khu vực ASEAN tại Đại hội Thể thao khu vực.

Tham dự Hội nghị có 33 đại biểu đại diện cho 11 Ủy ban Olympic quốc gia và lãnh đạo, các thành viên của Văn phòng SEAGF. Tham dự tại điểm cầu Việt Nam là ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao, Phó Trưởng ban tổ chức SEA Games 31 và ông Trần Văn Mạnh, Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam.

Các đại biểu tham dự đã thông qua Biên bản Phiên họp Văn phòng SEAGF với Ban chấp hành Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (EXCO) tổ chức ngày 8/7; cập nhật thông tin về tình hình dịch COVID-19 các quốc gia khu vực Đông Nam Á (tính đến ngày 16/9/2021).

Nhìn chung, đại dịch COVID-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp ở các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Chính phủ các nước đều tăng cường các biện pháp kiểm soát tốt dịch bệnh, từng bước trở lại trạng thái bình thường mới. Nhiều quốc gia có tỉ lệ tiêm vaccine cao, thậm chí triển khai kế hoạch tiêm cho trẻ em nhiều độ tuổi khác nhau. 

Tại hội nghị, ông Trần Đức Phấn, đại diện Ban tổ chức SEA Games 31 cảm ơn các đại biểu đã ủng hộ Việt Nam tổ chức Đại hội này. Liên quan đến công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam, cơ bản Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban tổ chức SEA Games 31 về việc cho phép lùi thời gian tổ chức đến quý II/2022. Việt Nam đang chờ thủ tục và sẽ thông báo sớm cho các quốc gia.

Đại diện Ủy ban Olympic Campuchia báo cáo về công tác chuẩn bị cho SEA Games 32. Campuchia đang triển khai xây dựng Làng vận động viên, các công tác hậu cần và y tế để tổ chức một kỳ Đại hội an toàn. Đây là lần đầu tiên Campuchia đăng cai SEA Games và mong muốn nắm giữ vai trò lãnh đạo trong SEAGF, đặc biệt là có cơ hội tổ chức các cuộc họp của SEAGF và 500 ngày đếm ngược đến SEA Games 32 vào ngày 20/12/2021. Đồng thời, Campuchia cũng mong nhận được sự hỗ trợ của tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á về công tác chuẩn bị cho sự kiện này. Phía Campuchia mong nhận được khẳng định sớm của Việt Nam về thời gian tổ chức SEA Games 31 để chuẩn bị kịp cho SEA Games 32 vào năm 2023.

Ban tổ chức Đại hội Thể thao Võ thuật và Trong nhà châu Á lần thứ 6 (AIMAG6) đã thông tin tới các đại biểu về công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội tại hai thành phố Bangkok và Chonburi từ ngày 10 - 20/3/2022 với 29 môn gồm: Điền kinh, Bi-a, Bowling, Khiêu vũ, Cờ, Futsal, Leo tường/Patin, Bơi cự li ngắn, Muay, Jujitsu, Bóng nước, Cầu mây/Hoop, Kurash, Floorball, Netball, Taekwondo, Hockey trong nhà, Karate, E-sport, Cầu lông, Pencak Silat, Cheerleading (Cổ vũ), Sambo, Rowing, Bóng rổ 3x3, Kickboxing, Vật, Bóng chuyền, Bắn súng cùng với 2 môn biểu diễn gồm Teqball và Airsport (Đua Drone). Tổng số nội dung dự kiến là 297 nội dung chính thức và 8 nội dung biểu diễn. Ban tổ chức Đại hội cũng đã gửi hướng dẫn kỹ thuật, đăng ký số lượng, các mốc thời gian Đại hội tới các nước để chuẩn bị tham dự sự kiện này.

Một trong những vấn đề đáng quan tâm tại Hội nghị lần này là Tuyên bố chung của Bộ trưởng Thể thao các nước ASEAN về củng cố nền tảng vững chắc cho các vận động viên trong khu vực tại SEA Games. Mục đích của Tuyên bố là nâng cao trình độ của các vận động viên tại các giải đấu khu vực và quốc tế, đồng thời đẩy mạnh thành tích đạt được của khu vực ASEAN trong thi đấu thể thao.

Trong Tuyên bố chung, các Bộ trưởng sẽ thảo luận và đi đến đồng thuận với một số vấn đề như: Hỗ trợ đưa vào nhiều hơn các môn thể thao của Đại hội Thể thao Châu Á và Olympic vào các kỳ SEA Games tương lai bằng việc lựa chọn các môn thể thao tại các kỳ SEA Games phù hợp nhất với các môn thể thao của Asian Games và Olympic Games; nỗ lực làm việc với Hội đồng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, Ủy ban Olympic các quốc gia và các bên liên quan, bao gồm các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ của khu vực Đông Nam Á hướng đến việc tạo điều kiện cho Tuyên bố chung này.

Phấn đấu thiết lập một nền tảng vững chắc cho các vận động viên trong khu vực tại SEA Games, hướng đến Asian Games và Olympic; hỗ trợ tốt hơn nữa trong hành trình đi thi đấu thể thao của các vận động viên nhằm đạt được thành tích xuất sắc; duy trì cam kết đấu trường thể thao Đông Nam Á là một sân chơi hội tụ tinh hoa của thể thao Đông Nam Á, xây dựng các mối quan hệ và tạo điều kiện cho các hoạt động giao lưu giữa nhân dân các quốc gia thành viên khu vực Đông Nam Á. Nhiệm vụ của các quan chức cấp cao Đông Nam Á về Thể thao (SOMS) là làm việc với Ủy ban Olympic quốc gia cùng với các bên liên quan trong việc tìm ra hướng đi để đạt được mục tiêu lựa chọn các môn thể thao tại SEA Games phù hợp với các môn thể thao của Asian Games và Olympic Games.

Sau khi nghiên cứu, các đại biểu tham dự họp trao đổi, thảo luận và thống nhất với nội dung đã ghi văn bản tuyên bố này.

TTXVN/Báo Tin tức
Hội đồng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á thống nhất nhiều nội dung quan trọng
Hội đồng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á thống nhất nhiều nội dung quan trọng

Thông tin từ Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Ngày 20/11, phiên họp Hội đồng Liên đoàn Đông Nam Á lần thứ hai đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN