Lịch sử hình thànhNgày 22/5/1958, đại biểu các nước trong Bán đảo Đông Nam Á tham dự Đại hội thể thao châu Á lần thứ ba ở Tokyo, Nhật Bản đã nhóm họp. Tại hội nghị, Ủy ban Olympic Thái Lan đã giới thiệu Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan Luang Sukhum Nai Pradif trình bày bản đề án về việc thành lập một tổ chức thể thao ở Bán đảo Đông Nam Á nhằm quản lý, lãnh đạo phong trào và tổ chức các Đại hội thể thao ở Bán đảo Đông Nam Á.
Các màn trình diễn tại lễ khai mạc SEA Games 28. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phiên họp đầu tiên được tổ chức vào ngày 5/6/1959 tại Hội trường Santidhama ở thủ đô Bangkok, Thái Lan đã thông qua điều lệ và bầu Ban chấp hành của Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á. Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Thái Lan Prahat Saxura Tiara được bầu làm Chủ tịch của Liên đoàn, các ủy viên gồm đại biểu các nước Campuchia, Lào, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Các nước tham dự phiên họp đầu tiên này được gọi là nước sáng lập viên của Liên đoàn.
Tại phiên họp đầu tiên của Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á, đại biểu các nước đã quyết định sẽ tổ chức Đại hội thể thao Bán đảo Đông Nam Á (SEAP Games) hai năm một lần vào giữa chu kỳ Đại hội Olympic và Đại hội thể thao châu Á và SEAP Games lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 12 đến 17/12/1959 tại Bangkok, Thái Lan.
Năm 1963, Campuchia đăng cai tổ chức SEAP Games lần thứ 3 tuy nhiên quốc gia này không đủ điều kiện để làm chủ nhà nên SEAP Games 3 được trao cho Malaysia tổ chức vào năm 1965.
Cũng trong năm 1965, Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á thêm thành viên là Singapore sau khi Singapore tách ra khỏi Liên bang Malaysia để thành lập một quốc gia độc lập.
Tại SEAP Games lần thứ 8 tổ chức năm 1975 tại Bangkok, Thái Lan, Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á đã xem xét kết nạp thêm Indonesia và Philippines. Hai nước này chính thức được kết nạp năm 1977 và cùng năm đó Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á đổi tên thành Liên đoàn thể thao Đông Nam Á và Đại hội thể thao Bán đảo Đông Nam Á (SEAP Games) được đổi tên là Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games). Brunei được kết nạp vào Liên đoàn thể thao Đông Nam Á tại SEA Games lần thứ 10 ở Jakarta, Indonesia và Đông Timor được kết nạp tại SEA Games lần thứ 22 tại Hà Nội, Việt Nam.
Mục đích hoạt động:- Tăng cường tình hữu nghị, tình đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á thông qua các hoạt động thể dục thể thao.
- Không ngừng nâng cao thành tích, kỹ thuật, chiến thuật các môn thể thao cho vận động viên (VĐV), tạo điều kiện cho VĐV các nước trong khu vực tập rượt và rèn luyện để tham dự Đại hội thể thao châu Á và Thế vận hội Olympic.
Tổ chức của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á:
Hội đồng của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á là cơ quan quyền lực cao nhất của Liên đoàn, có thẩm quyền quyết định mọi công việc của Liên đoàn như chương trình đại hội, thời gian tiến hành đại hội, thành phần đăng cai đại hội…
Mỗi nước thành viên có quyền cử từ 1 đến 3 người tham gia Hội đồng Liên đoàn thể thao Đông Nam Á.
Biểu tượng của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á:
Ngày 5/6/1959, tại Bangkok, Thái Lan, biểu tượng của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á được chấp thuận cùng với việc thông qua điều lệ Liên đoàn. Biểu tượng của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á là 6 vòng tròn màu vàng nhạt gắn vào nhau. Đến Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 20 năm 1999 tổ chức ở Brunei Darussalam, Hội đồng Olympic Brunei Darussalam đề nghị sửa đổi biểu tượng của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á từ 6 vòng tròn thành 10 vòng tròn màu vàng nhạt gắn vào nhau vì từ năm 1995 đã có thêm 4 nước Đông Nam Á tham dự SEA Games. Kể từ đó biểu tượng 10 vòng tròn màu vàng nhạt gắn vào nhau tượng trưng cho tình đoàn kết, tình yêu thương giữa các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á được lấy làm biểu tượng chính thức cho Liên đoàn thể thao Đông Nam Á.
Cờ của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á:
Cờ của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á có nền màu xanh lơ, chiều rộng bằng 2/3 chiều dài, màu xanh lơ tượng trưng cho trời biển bao la bao bọc vùng Đông Nam Á của 10 nước thành viên, ở giữa có gắn biểu tượng của liên đoàn.
Các kỳ SEA Games:
STT/Thành phố đăng cai/Thời gian/Số VĐV tham gia/Số môn/Nước tham dự
1 Bangkok 12 đến 17-12-1959 527 12 6
2 Yangon 11 đến 16-12-1961 623 13 7
3 Kuala Lumpur 14 đến 21-12-1965 963 14 7
4 Bangkok 9 đến 16-12-1967 984 16 6
5 Yangon 6 đến 13-12-1969 920 15 6
6 Kuala Lumpur 11 đến 18-12-1971 967 15 7
7 Singapore 1 đến 8-9-1973 1.623 16 7
8 Bangkok 9 đến 16-12-1975 1.142 18 4
9 Kuala Lumpur 19 đến 26-12-1977 1.561 18 7
10 Jakarta 21 đến 30-9-1979 2.051 16 7
11 Manila 6 đến 15-12-1981 2.336 18 7
12 Singapore 28-5 đến 6-6-1983 1.823 18 8
13 Bangkok 8 đến 17-12-1985 2.400 18 8
14 Jakarta 9 đến 20-9-1987 3.183 27 8
15 Kuala Lumpur 20 đến 31-8-1989 3.216 26 9
16 Manila 24-11 đến 5-12-1991 4.037 27 9
17 Singapore 12 đến 20-6-1993 4.611 29 9
18 Chiang Mai 9 đến 17-12-1995 4.306 28 10
19 Jakarta 11 đến 19-10-1997 7.500 34 10
20 Brunei 27-7 đến 16-8-1999 3.318 21 10
21 Kuala Lumpur 8 đến 17-12-2001 6.881 32 10
22 Hà Nội 5 đến 13-12-2003 6.229 32 11
23 Manila 23 đến 27-11-2005 5.344 41 11
24 Bangkok 6 đến 15-12-2007 5.175 43 11
25 Viêng Chăn 9 đến 18-12-2009 3.100 25 11
26 Jakarta 11 đến 22-11-2011 5.000 43 11
27 Nay Pyi Taw 11 đến 22-12-2013 4.730 33 11
28 Singapore 5 đến 15-6-2015 4.370 36 11.