Vấn đề đầu tiên của Philippines nằm ở chính ông Sven Goran Eriksson. HLV người Thụy Điển tuy rất giàu kinh nghiệm cầm quân với năng lực đã được kiểm chứng, nhưng ông mới chỉ làm việc cùng đội bóng từ cuối tháng 10/2018.
Thời gian để ông Eriksson nắm bắt đầy đủ về điểm mạnh yếu của các cầu thủ cũng như xác định rõ các vấn đề của đội bóng để cải thiện chất lượng lối chơi là quá ngắn. Ở chiều ngược lại, các tuyển thủ Philippines cũng chưa thể thấm nhuần triết lí bóng đá của nhà cầm quân 70 tuổi này.
Hạn chế thứ 2 của Philippines là trong khi kỳ vọng thành tích ở AFF Cup này tăng lên rất cao với sự hiện diện của Sven Goran Eriksson, họ gặp vấn đề lớn về hiệu quả dứt điểm. Trong 4 trận vòng bảng thì có tới 3 trận gặp Timor Leste, Thái Lan và Singapore là Philippines đều cầm bóng nhiều hơn đối thủ.
Tổng cộng, các cầu thủ của ông Eriksson đã tung ra tới 59 cú sút sau 4 trận gặp Thái Lan, Singapore, Indonesia và Timor Leste nhưng chỉ 16 trong số này là trúng đích, tức là tỷ lệ sút trúng mục tiêu của Philippines cho tới thời điểm này ở AFF Cup chỉ đạt khoảng 27% và họ chỉ ghi được 5 bàn thắng. Một hiệu suất rõ ràng là quá thấp đối với đội bóng ôm tham vọng vô địch.
Vấn đề thứ 3 của Philippines nằm ở yếu tố con người. Tuy dung nạp nhiều cầu thủ trưởng thành hoặc từng được đào tạo hoặc đang thi đấu ở Châu Âu nhưng chất lượng nhân sự tổng thể của đội bóng này thực tế vẫn chưa tốt. Hai cầu thủ đáng chú ý nhất trong đội hình của Philippines hiện tại có lẽ là tiền đạo kỳ cựu Phil Younghusband và tiền vệ trái Stephan Schrock.
Đây là hai nhân tố được đánh giá là quan trọng nhất, quyết định hiệu quả thi đấu của cả đội. Thành bại của Philippines phụ thuộc nhiều vào hai cầu thủ này nên nếu họ bị vô hiệu hóa thì “The Azkals” hẳn sẽ gặp rắc rối lớn. Phil Younghusband từng phá lưới tuyển Việt Nam ngay tại Mỹ Đình ở AFF Cup 2010 và là một trong 2 tuyển thủ Philippines năm ấy còn trụ lại tới bây giờ bên cạnh người anh trai James Younghusband.
Cầu thủ có nhiều năm ăn tập và thi đấu cho đội trẻ của Chelsea này là nguồn cung cấp bàn thắng chủ yếu cho The Azkals trong khi Stephan Schrock là xuất phát điểm của hầu hết các đường chuyền sáng tạo và nguy hiểm nhất mà Philippines tạo ra nhờ phẩm chất kỹ thuật và tư duy tốt sau nhiều năm khoác áo các đội tuyển trẻ của Đức.
Vấn đề nữa của Philippines là sự mất tập trung và sơ hở ở hàng phòng ngự và tuyến giữa. Minh chứng là trước Timor Leste, các tiền vệ trung tâm và hậu vệ của họ để lộ nhiều khoảng trống cho đối phương khai thác và hệ quả là Philippines phải nhận 2 bàn thua. Họ lẽ ra đã thủng lưới nhiều hơn nếu Timor Leste dứt điểm sắc bén hơn.
Trước Thái Lan, dù lấn lướt nhưng Philippines lại để thua từ một trong không nhiều các pha phản công của đối phương và bàn thua xuất phát từ khoảng trống mà hậu vệ trái Daisuke Sato để lộ ra cũng như sự bất lực của trung vệ Carli de Murga trong tình huống cản phá quyết định. Cầu thủ này cũng chơi rất tệ trước Timor Leste và đây là mắt xích yếu mà tuyển Việt Nam có thể khoét vào.
Lượt đi bán kết:
1/12: Malaysia vs Thái Lan
2/12: Philippines vs Việt Nam
Lượt về bán kết:
5/12: Thái Lan vs Malaysia
6/12: Việt Nam vs Philippines
Lượt đi Chung kết:
11/12: Thái Lan/Malaysia vs Việt Nam/Philippines
Lượt về Chung kết:
15/12: Việt Nam/Philippines vs Thái Lan/Malaysia