Công Vinh: Được và mất

Không đầy nửa tháng trước mùa giải mới tại V-League, cái tên Lê Công Vinh một lần nữa lại trở thành chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông. Tiền đạo người Nghệ An đã bị giằng xé giữa việc ở lại SLNA hoặc chuyển hẳn sang thi đấu cho Sapporo và cuối cùng, anh quyết định ở lại. Đây là một quyết định xuất phát từ trái tim, nhưng cũng rất bất ngờ, trong bối cảnh Sapporo có thể mang lại nhiều thứ cho Công Vinh.


Công Vinh (phải) sẽ là trụ cột của SLNA mùa giải tới. Ảnh: Ảnh: hff.vn


Ngày 28/12, trước sự săn đuổi ráo riết của Sapporo trong thời gian gần đây, lãnh đạo SLNA và Công Vinh đã có buổi làm việc về tương lai của cầu thủ này. Quyết định được đưa ra sau cuộc gặp gỡ là Công Vinh sẽ ở lại SLNA cho đến hết hợp đồng (1 năm nữa) và SLNA sẽ gửi fax từ chối đề nghị của đội bóng hạng Hai Nhật Bản.


Ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thể thao SLNA, nhấn mạnh rằng Công Vinh là biểu tượng của đội bóng, được đông đảo người hâm mộ Nghệ An và Việt Nam yêu mến. “SLNA đang cần Công Vinh hơn lúc nào hết. Dù là 5 hay 10 tỷ đồng, chúng tôi cũng không thể để Công Vinh ra đi vào thời điểm này. Có thể SLNA sẽ nhận được một khoản tiền lớn, nhưng giá trị của Công Vinh là tầm ảnh hưởng mạnh mẽ và uy tín đối với thế hệ cầu thủ trẻ, đối với người hâm mộ. Điều này không thể mua được bằng tiền”, ông Thanh tuyên bố.


Cuối tháng 7/2013, SLNA đã chấp thuận đề nghị mượn Công Vinh của Sapporo trong vòng 5 tháng (hợp đồng có hiệu lực từ ngày 1/8/2013 - 1/1/2014). Thời điểm đó, sự ra đi của Công Vinh cũng đã làm tốn nhiều giấy mực, bởi anh đang có phong độ cao và là một trong những điểm tựa của SLNA ở chặng nước rút tới chức vô địch V-League. Không ít CĐV xứ Nghệ khi đó đã trách SLNA “tham tiền”, nhưng nhiều người cũng chia sẻ với sự khó khăn của CLB, đồng thời xem chuyến đi về hướng mặt trời mọc của Công Vinh là một cơ hội tốt cho cầu thủ này, cả về chuyên môn lẫn khía cạnh tài chính và mở ra một con đường mới cho các cầu thủ trẻ Việt Nam.


Sau đó, SLNA đã không thể vô địch V-League 2013, nhưng ngoài yếu tố chuyên môn, một lý do khách quan giải thích cho thất bại này là họ bị trừ tới 6 điểm sau sự kiện XMXT Sài Gòn bỏ giải. Cùng thời điểm ấy, sau thời gian đầu hòa nhập khó khăn, Công Vinh đã dần khẳng định được mình tại Sapporo và tần suất có mặt trên sân của anh cũng ngày càng nhiều hơn. Nhờ những đóng góp của Công Vinh, Sapporo đã suýt chút nữa lọt vào trận play-off giành quyền thăng hạng J-League. Đặc biệt, Công Vinh đã thu hút được một lượng fan lớn cho Sapporo, thúc đẩy công việc kinh doanh của CLB tại Nhật Bản và khiến cái tên Sapporo được biết đến nhiều ở thị trường Việt Nam.


Chính những đóng góp như vậy của Công Vinh đã khiến Sapporo tìm cách giữ chân cầu thủ này sau khi hết hợp đồng mượn. Mức phí chuyển nhượng mà họ đưa ra cho SLNA đã tăng dần từ 60.000 USD, 160.000 USD, cho đến 240.000 USD và có thể còn cao hơn thế nữa. Đồng thời, Sapporo cũng hứa hẹn với Công Vinh về mức lương hấp dẫn (10.000 USD/tháng), kèm theo những khoản tiền thưởng và cơ hội học nghề HLV miễn phí trong 5 năm…


Có thể thấy, mức giá 240.000 USD mà Sapporo đề nghị đã tương đương với điều khoản giải phóng 1 năm hợp đồng của Công Vinh tại SLNA: 5 tỷ đồng. Sự đấu tranh tư tưởng của cả Công Vinh và SLNA bắt đầu căng thẳng từ cái mốc đó. SLNA thì nói tôn trọng lựa chọn của Công Vinh, còn Công Vinh lại sút quả bóng về phía SLNA, trong khi ai cũng hiểu rằng Công Vinh được quyền quyết định tương lai của mình khi Sapporo hay bất cứ CLB nào “chồng” đủ 5 tỷ đồng.


Nhưng vào thời điểm nhiều người nghĩ Công Vinh sẽ tiếp tục cuộc phiêu lưu lý thú ở hòn đảo Hokkaido, anh lại chấp nhận ở lại SLNA và nhận mức lương chỉ bằng 1/3 so với đề nghị của Sapporo.


Ai cũng hiểu, Công Vinh quá nặng tình với SLNA. Đây chính là cái nôi, là bệ phóng cho sự nghiệp của Công Vinh. Trong bối cảnh SLNA vừa phải tiếp tục “bán máu” để duy trì sự có mặt ở V-League 2014, bằng việc để lứa cầu thủ tài năng là Nguyễn Trọng Hoàng, Âu Văn Hoàn, Hoàng Văn Bình gia nhập Becamex Bình Dương, Công Vinh đã “không nỡ” làm tổn thương thêm SLNA. Đội bóng xứ Nghệ rất kỳ vọng vào việc Công Vinh sẽ là đầu tàu, dẫn dắt các cầu thủ trẻ ở mùa giải V-League 2014 sắp tới.


Tuy vậy, khi Công Vinh sắp bước sang tuổi 29, nhiều người cũng thấy tiếc cho cơ hội “du học” quý giá bị bỏ lỡ của anh. Sau đây 1 năm nữa, liệu phong độ của Công Vinh có đủ thuyết phục Sapporo nhớ đến anh? Những cơ hội như vậy thường không đến nhiều trong đời cầu thủ vốn rất ngắn ngủi. Công Vinh là một tiền đạo giỏi, anh tất yếu hiểu điều đó hơn ai hết.


Dù sao, cái được lớn nhất của Công Vinh khi quyết định ở lại SLNA là anh sẽ được ở gần gia đình. Cô con gái của anh đã gần được 2 tuổi và rất cần sự quan tâm, dạy dỗ của người cha. Chưa kể, nếu tiếp tục duy trì phong độ tốt, năm 2014, Công Vinh sẽ có cơ hội cùng đội tuyển Việt Nam tái lặp thành tích vô địch AFF Suzuki Cup như hồi năm 2008. Cú đánh đầu ngược vào lưới Thái Lan trong trận chung kết lượt về tại sân Mỹ Đình năm đó vẫn là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Công Vinh.


Song Long

Công Vinh “đi một ngày đàng”...
Công Vinh “đi một ngày đàng”...

2 tháng, 3 lần ra sân, 45 phút thi đấu tại J - League 2 và 1 thẻ đỏ, hành trình của Lê Công Vinh tại Consadole Sapporo quả là chật vật, nhưng cũng mang lại cho tiền đạo này những bài học quý giá.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN