Công Vinh “đi một ngày đàng”...

2 tháng, 3 lần ra sân, 45 phút thi đấu tại J - League 2 và 1 thẻ đỏ, hành trình của Lê Công Vinh tại Consadole Sapporo quả là chật vật, nhưng cũng mang lại cho tiền đạo này những bài học quý giá.

Công Vinh (giữa) được mở rộng tầm mắt ở Nhật Bản.

Khi Công Vinh đặt bút ký hợp đồng với Sapporo hồi cuối tháng 7 vừa qua, dư luận đã nghi ngờ về tính chuyên môn trong chuyến “du học” của chân sút này, sau khi anh từng không để lại dấu ấn nào đáng kể trong 4 tháng khoác áo Leixoes SC của Bồ Đào Nha hồi năm 2009. Đến nay, sau 2 tháng tại Nhật Bản, tự bản thân các trận đấu của Công Vinh cho Sapporo đã một phần nói lên câu trả lời.


Trước tiên, phải khẳng định lại rằng cuộc ra đi của Công Vinh là một tổn thất lớn đối với Sông Lam Nghệ An. Đội bóng xứ Nghệ có thể kiếm được khoảng 1 tỷ đồng từ việc cho mượn Công Vinh trong vòng 5 tháng (từ ngày 1/8/2013 – 1/1/2014), để trang trải những khoản chi tiêu trong bối cảnh ngân sách của đội bóng ngày càng eo hẹp. Nhưng đổi lại, khi không có chân sút xuất sắc nhất mùa giải vừa qua trong đội hình vào đúng thời điểm “nước sôi, lửa bỏng”, SLNA đã hụt hơi trong cuộc đua vô địch và cuối cùng chỉ cán đích thứ 4 tại V - League 2013. Không có tên trong tốp 3 V - League cũng đồng nghĩa với việc SLNA để tuột khỏi tay ít nhất 1 tỷ đồng tiền thưởng từ Ban tổ chức giải.


Nói cách khác, SLNA coi như mất không Công Vinh, trong khi chính tiền đạo này cũng bỏ lỡ cơ hội giành danh hiệu Vua phá lưới V - League 2013 và chưa thể vươn tới mốc lịch sử 100 bàn thắng tại V - League. Kết thúc mùa giải vừa qua, cặp chân sút của đội vô địch Hà Nội T&T là Gonzalo và Samson đã chia sẻ danh hiệu Vua phá lưới, với cùng 14 bàn thắng, tức là chỉ hơn Công Vinh 1 bàn.


Sẽ không có gì đáng nói nếu như Công Vinh sang Nhật và trở thành nhân tố quan trọng của Sapporo như những hứa hẹn ban đầu của đội bóng này, rằng họ “muốn có Công Vinh cho mục tiêu thăng hạng J - League 1”. Đằng này, khi bản hợp đồng với đội bóng đảo Hokkaido đã đi được phân nửa, vị trí quen thuộc dành cho Công Vinh vẫn chỉ là ghế dự bị. Dư luận không phải không có lý khi một lần nữa đặt lại câu hỏi: “Sapporo mua Công Vinh chỉ nhằm mục đích thương mại?”.


Trên thực tế, cuộc cạnh tranh vị trí của Công Vinh trên hàng công Sapporo là hết sức khốc liệt. Cái mác chân sút Việt Nam xuất sắc nhất vào thời điểm hiện tại cũng không khỏa lấp được độ chênh về trình độ giữa hai nền bóng đá, ngay cả khi Sapporo chỉ đá ở giải hạng Hai Nhật Bản. “Yếu trâu còn hơn khỏe bò”, Công Vinh chỉ là sự lựa chọn thứ 4 của HLV Keiichi Zaizen, xếp sau Felix Almeida người Brazil và hai chân sút bản địa, Shunsuke Meada và Yoshihero Uchimura.


Phải mất gần 2 tháng đánh bóng băng ghế dự bị, đến ngày 22/9, Công Vinh mới lần đầu tiên được đá chính ở J - League 2, trong trận gặp V - Varen Nagasaki. Tuy nhiên, dù lập đại công cho Sapporo khi ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu, cũng là bàn đầu tiên của cá nhân tại J - League 2, nhưng Công Vinh lại bị đuổi khỏi sân ở phút 36 (2 thẻ vàng).


Tổng cộng, cùng với 2 lần vào sân ở cuối các trận gặp Ehime và Fagiano Okayama, Công Vinh có khoảng 45 phút tại J - League 2. Ngay cả khi Công Vinh đã được đá chính tại vòng 2 Cúp Hoàng đế (Cúp quốc gia Nhật Bản) và lập một cú đúp vào lưới Đại học sư phạm Hokkaido, như vậy vẫn là quá ít so với những chờ đợi của người hâm mộ vào chuyến “du học” Nhật Bản của cầu thủ này.


Nhưng đúng như những chia sẻ của Công Vinh trước ngày sang Nhật, rằng “tất cả không phải là màu hồng” và anh “đã biết trước được rất nhiều khó khăn đang chờ đợi mình”, tiền đạo người Nghệ An còn 3 tháng nữa để tự chinh phục chính bản thân mình. Dù chỉ ngồi trên ghế dự bị, nhưng cái được lớn nhất của Công Vinh là anh đã thực sự được hít thở bầu không khí bóng đá chuyên nghiệp, từ cách sinh hoạt, tập luyện, cho đến thi đấu. Sapporo dù thế nào cũng đã hành xử rất chuyên nghiệp, không ưu ái bất cứ ai: Cầu thủ nào tốt nhất sẽ được ra sân.


Ngay cả việc Sapporo mua Công Vinh và thu hút được một lượng người hâm mộ lớn từ sự có mặt của tiền đạo này (hoạt động giao lưu, kinh doanh áo đấu và các sản phẩm liên quan, quảng bá hình ảnh tại Việt Nam) cũng đáng được các CLB Việt Nam học hỏi về cách làm bóng đá chuyên nghiệp.


Với riêng Công Vinh, việc anh vẫn được HLV Hoàng Văn Phúc và trợ lý Nguyễn Văn Sỹ của đội tuyển Việt Nam tin tưởng ở giai đoạn tiếp theo của vòng loại Asian Cup 2015 cũng không có gì ngạc nhiên. Ban huấn luyện ĐTQG đã cho phép Công Vinh miễn tập trung và đá giao hữu tại Qatar đợt này. Thay vào đó, Công Vinh sẽ bay thẳng sang Uzbekistan ngày 13/10, để hội quân và chuẩn bị cho trận đấu với đội chủ nhà vào ngày 15/10. Theo đánh giá của ông Sỹ (chuyên trách ĐTQG đợt này), Công Vinh đang trong giai đoạn thi đấu tại Nhật Bản, nên hoàn toàn đảm bảo yêu cầu về thể lực, cũng như phong độ và chỉ cần 1 - 2 buổi tập là Công Vinh có thể hòa nhập tốt với lối chơi của đội tuyển.

Tại các cửa hàng bán sản phẩm của Consadole Sapporo, người hâm mộ muốn sở hữu một chiếc áo đấu có in tên Công Vinh sẽ phải bỏ ra 19.950 yên (khoảng 4,3 triệu đồng), còn một chiếc khăn choàng cổ có giá 1.575 yên (khoảng 340.000 đồng).


Bảo An


Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN