Chỉ trong một thời gian ngắn, thể thao Việt Nam (TTVN) liên tiếp có 2 trường hợp bị phát hiện sử dụng chất cấm. Doping là câu chuyện dài tập, nhưng đã đến lúc những người có trách nhiệm cần phải làm quyết liệt để trả lại giá trị thật cho thể thao.
Từ Hoàng Anh Tuấn đến Ngô Thị Hạnh
Đây là 2 trường hợp bị phát hiện sử dụng doping gần đây nhất của TTVN, cả hai đều ở môn cử tạ. Nếu như Hoàng Anh Tuấn được cho là vô tình do quản lý buông lỏng cùng sự thiếu hiểu biết, thì trường hợp mới nhất của Ngô Thị Hạnh (tại Đại hội TDTT toàn quốc) chẳng khác nào một cú sốc đau với những người đang tìm cách “khai tử” doping ra khỏi thể thao.
Lực sĩ Ngô Thị Hạnh bị phát hiện sử dụng doping tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6. Ảnh: Ngọc Trường - TTXVN |
Chưa bao giờ ở một giải đấu trong nước, các VĐV được xét nghiệm doping. Chính vì thế, việc BTC Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 quyết định kiểm tra 30 VĐV ngẫu nhiên, nhận được sự đồng tình cao của những người quan tâm đến thể thao nước nhà. Sự quyết tâm của những người làm công tác chống doping được ghi nhận, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức cảnh báo là chính.
Trong khi đó, một VĐV thể thao đỉnh cao "dính" doping sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến thành tích thi đấu của thể thao quốc gia. Ngành thể thao đã bắt đầu nhận thức được tác hại ghê gớm và nguy cơ bành trướng của vấn nạn doping nếu không được ngăn chặn kịp thời. Sự cố Hoàng Anh Tuấn đã cho thấy rằng việc đương đầu với vấn nạn này không chỉ hô hào hay trông chờ vào sự hiểu biết.
Lại càng khó trông đợi vào ý thức của các VĐV, HLV và lãnh đạo thể thao các địa phương. Dù đã có nhiều thông báo, răn đe... nhưng có mấy ai sợ, bởi kiểm tra kiểu "cho có" như hiện nay thì ai cũng hiểu “còn lâu mới tới lượt mình”. Những hành động cụ thể phải được triển khai song song cùng các sự kiện thể thao lớn.
Cùng với những hình thức kỷ luật nghiêm còn là việc kiểm tra doping phải mang tính thường xuyên hơn nữa. Đáng tiếc là trong điều kiện thiếu thốn thiết bị kiểm tra trong nước, việc gửi các mẫu xét nghiệm ra nước ngoài lại có chi phí rất lớn (khoảng 300 USD/mẫu).
Chính vì vậy, con số 30 mẫu trong tổng số hơn 3.000 VĐV tại Đại hội TDTT toàn quốc vừa qua là nhỏ nhoi. Hơn nữa, ai dám chắc việc chọn lấy một số quá ít mẫu đó là hoàn toàn ngẫu nhiên. Vậy nên, việc “bỏ sót” cũng là chuyện dễ hiểu.
Cần lắm một trung tâm kiểm tra doping!
Liên tiếp những trường hợp dính doping của thể thao nước nhà đã gióng lên một hồi chuông báo động về nguy cơ bùng nổ vấn nạn doping trong thời gian tới. Không còn cách nào hiệu quả hơn là phải xây dựng ngay một trung tâm kiểm tra doping trong nước, dù kinh phí tốn kém đến đâu. Công tác kiểm tra doping là một trong những vấn đề “nóng” nhất không chỉ của TTVN mà của các quốc gia trên thế giới.
Ngoài vấn đề phạm luật thi đấu dẫn đến bị cấm thi đấu có thời hạn hoặc vĩnh viễn, 1 VĐV bị dính doping còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự quốc gia đó.
Là người công tác trong lĩnh vực này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT và cũng là chuyên gia hàng đầu về chống doping, ông Lê Quý Phượng, đã đề xuất với Chính phủ về việc xây dựng một phòng xét nghiệm doping trong nước, vừa tiết kiệm được rất nhiều chi phí lại chủ động hơn rất nhiều trong việc phát hiện và kiểm soát.
Đây là việc cần làm ngay, càng sớm càng tốt bởi nếu vẫn như cách làm hiện nay, tức là chỉ kiểm tra ngẫu nhiên vài chục trường hợp trong hàng nghìn VĐV, sẽ khó tránh khỏi bị “lọt” người cố tình gian lận.
Đây cũng là cách làm hiệu quả nhất bởi việc trông chờ vào sự tự giác của các đơn vị, địa phương, HLV, VĐV gần như rất khó khi chính căn bệnh thành tích của các địa phương vẫn đang vô tình ủng hộ cho các VĐV của mình sử dụng chất cấm như một cách đoạt huy chương dễ nhất.
Dù vậy, kế hoạch triển khai xây dựng trung tâm kiểm tra doping trong nước vẫn chưa đi đến đâu bởi kinh phí quá lớn (khoảng gần 80 tỷ đồng). Chính ông Phượng là người rất tâm huyết với đề án này và mong từng ngày có đủ kinh phí để hoàn thành. Song, như chính ông thừa nhận, mỗi năm Nhà nước chỉ rót kinh phí khoảng vài tỷ đồng nên có lẽ phải đợi khoảng... một thập kỷ nữa.
Dù rất tốn kém nhưng về lâu về dài, chi phí gửi ra nước ngoài xét nghiệm sẽ không “quá sức” như hiện nay và sẽ giúp ngành thể thao kiểm tra được một cách rộng rãi. Quan trọng hơn, việc hoàn thành trung tâm sẽ tiến tới việc chấm dứt vấn nạn gian lận đang có nguy cơ bùng phát.
Anh Chi