Tuyên bố trên được ông Turk đưa ra trong buổi họp về chủ đề bảo vệ VĐV nhân Khóa họp lần thứ 56 của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Theo ông, thể thao cũng giống như nhân quyền khi thúc đẩy các cơ hội về công bằng, tôn trọng và bình đẳng. Tuy nhiên, thể thao không tránh khỏi những thách thức về nhân quyền, bao gồm cả trong các sự kiện mang tính bước ngoặt như những tranh cãi về Olympic Paris sắp tới. Cao ủy Nhân quyền LHQ chia sẻ: “Một số vấn đề đáng lo ngại dễ thấy hơn những vấn đề khác như các vụ việc phân biệt chủng tộc hoặc phân biệt giới tính, lạm dụng, bạo lực đối với phụ nữ, tham nhũng; phân biệt đối xử trên cơ sở tôn giáo hoặc trang phục tôn giáo, khuyết tật, quốc tịch hoặc khuynh hướng tình dục và bản dạng giới”.
Đánh giá về tiến triển liên quan tới quyền của các VĐV, ông Turk cho rằng đã có những thay đổi và đưa ra bình luận về các bản án mới đây ở Tây Ban Nha dành cho 3 cổ động viên - những người đã có hành vi phân biệt chủng tộc với tiền đạo người Brazil Vinicius Junior của Real Madrid. Theo Cao ủy Nhân quyền LHQ, các VĐV nên được khuyến khích lên tiếng để bảo đảm sự công bằng. Ông bày tỏ: “Điều này đòi hỏi lòng dũng cảm to lớn và họ phải được tôn trọng. Họ có thể muốn lên tiếng nhưng lại đối diện rủi ro lớn đối với bản thân và sự nghiệp của mình. Những VĐV này phải được hỗ trợ và bảo vệ... bằng cách đảm bảo rằng họ có những cách thức để lên tiếng và tìm kiếm câu trả lời một cách an toàn và không sợ bị trả thù”.
Cũng tham gia buổi họp về quyền của VĐV, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach tuyên bố cơ quan này sẽ nỗ lực để xây dựng một cộng đồng thể thao đoàn kết trong thời gian tới. Ông bày tỏ: “Trong thời đại chia rẽ hiện nay, với chiến tranh và xung đột gia tăng, việc xây dựng các cộng đồng hòa nhập chưa bao giờ quan trọng hơn thế. Thể thao là công cụ có chi phí thấp, tác động cao để tất cả các quốc gia thực hiện mục tiêu này”.