“Cánh chim lạ” Hải Anh

Không phải Lê Công Vinh, Nguyễn Anh Đức hay Nguyễn Văn Quyết, mà Nguyễn Hải Anh mới là chân sút nội xuất sắc nhất V - League mùa giải vừa qua.


Niềm tự hào “hàng Việt”


Trong ngày V - League 2014 hạ màn, Hoàng Vũ Samson của Hà Nội T&T đã kịp ghi thêm 1 bàn và kết thúc mùa giải với danh hiệu Vua phá lưới, với tổng số 23 bàn thắng. Mừng cho Samson, nhưng lại thấy chạnh lòng cho các chân sút nội: Mùa giải thứ 11 liên tiếp, Vua phá lưới V - League là cầu thủ ngoại (hoặc nhập tịch). Tuy vậy, người hâm mộ Việt Nam cũng được an ủi phần nào khi nhìn thấy cái tên Hải Anh (Đồng Nai) ở vị trí dẫn đầu danh sách ghi bàn nội địa, thay vì một gương mặt cũ như Công Vinh, Anh Đức hay Nguyễn Quang Hải.

 

Hải Anh (phải) vừa trải qua một mùa giải bùng nổ. Quang Nhựt - TTXVN


Giữa mùa giải vừa qua, các nhà tổ chức V - League vẫn còn ngán ngẩm về sự thiếu vắng những nhân tố mới bản địa, ở một sân chơi mà các đội bóng sống dựa vào các “ông Tây” đã là chuyện phổ biến. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Hải Anh đã chứng tỏ rằng đó là một đánh giá vội vã. Ở giai đoạn lượt về của mùa giải, Hải Anh liên tục lập công, khép lại mùa bóng thăng hoa của cá nhân với tổng cộng 13 bàn thắng.


Thành tích của Nguyễn Hải Anh:

*“Vua phá lưới nội” hạng Nhất 2010: 10 bàn (Kiên Giang)

* Hạng Nhất 2011: 11 bàn (Kiên Giang)

*V - League 2012: 7 bàn (Đồng Tháp)

*Hạng Nhất 2013: 2 bàn (Đồng Tháp)

*“Vua phá lưới nội” V - League 2014: 13 bàn (Đồng Nai)

*Đội tuyển Việt Nam: 2 trận, 2 bàn.

Con số đó là nhỏ nhoi nếu so sánh với Samson “sát thủ” hay Anjembe Timothy (Hoàng Anh Gia Lai, 18 bàn), nhưng nó lại giúp Hải Anh qua mặt những chân sút nội tốt nhất vào thời điểm này, như: Đinh Thanh Trung (QNK Quảng Nam, 12 bàn), Văn Quyết (Hà Nội T&T, 11 bàn), Công Vinh (Sông Lam Nghệ An, 10 bàn), Anh Đức (Becamex Bình Dương, 8 bàn)... Thành tích này của Hải Anh cũng sánh ngang với Công Vinh ở mùa giải trước và chỉ kém 1 bàn so với bộ đôi Vua phá lưới V - League 2013 (Samson và Gonzalo của Hà Nội T&T).


Đặc biệt, khi các HLV đội tuyển quốc gia vẫn không ngừng ca thán về việc thiếu các chân sút hiệu quả, với lý do là ngay cả những Công Vinh, Anh Đức cũng không cạnh tranh vị trí trung phong được với các ngoại binh ở CLB của họ, thì Hải Anh đã chứng tỏ được điều ngược lại. Tại Đồng Nai, Hải Anh luôn là sự lựa chọn số 1 ở vị trí đá cao nhất. Anh đóng góp 1/3 số bàn thắng của đội bóng ở mùa giải vừa qua, trong khi các tiền đạo ngoại cũng chỉ ghi được 13 bàn (Luiz 7 bàn, Gomez 6 bàn).


Hải Anh có một thể hình lý tưởng so với các tiền đạo nội. Anh cao 1,79 m và nặng 73 kg. Sức mạnh thể lực này cho phép anh “đè mặt” các hậu vệ đối phương, để thực hiện những pha dứt điểm bằng chân hoặc bằng đầu. Đây là một mẫu trung phong hiện đại, một thứ “hàng hiếm” của bóng đá Việt Nam.


Đóa hoa nở muộn


Khả năng chơi bóng của Hải Anh từng lọt vào “mắt xanh” của HLV Nguyễn Văn Sỹ, vào thời điểm ông tạm quyền dẫn dắt đội tuyển Việt Nam hồi cuối năm 2013. Tuy nhiên, lần ra mắt đó của Hải Anh (trận gặp UAE) không để lại nhiều ấn tượng, trong bối cảnh đấu trường Asian Cup là quá tầm đối với Việt Nam. Dù vậy, đó lại chính là bàn đạp giúp Hải Anh trở lại đội tuyển quốc gia một lần nữa và ghi dấu ấn: Trong trận ra mắt của tân HLV Toshyia Miura, thắng đậm Myanmar 6 - 0 tại Bình Dương đầu tháng 7 vừa qua (giao hữu), Hải Anh được xếp đá chính bên cạnh Công Vinh và sau 45 phút thi đấu, anh lập được một cú đúp.


Với một cầu thủ đã 27 tuổi như Hải Anh, đó là một điều hết sức tuyệt vời. Nó cho thấy nghị lực phấn đấu không ngừng của cầu thủ quê gốc Nghệ An này, đồng thời là một tấm gương cho các đồng nghiệp khác noi theo. Không có gì là quá muộn cả. Hơn Hải Anh 2 tuổi, Công Vinh đã tỏa sáng trong màu áo ĐTQG từ năm 21 tuổi, với bàn thắng để đời ở AFF Suzuki Cup 2008. Rất nhiều cầu thủ khác cũng đã trưởng thành sớm theo cách như vậy. Hải Anh không đi trên con đường đó, nhưng bây giờ, anh vẫn là đồng đội của Công Vinh, Văn Quyết, Thành Lương.


Sự tỏa sáng muộn màng của Hải Anh là có lý do: Anh vốn xuất thân là sinh viên Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh (khóa 2005 - 2009). Hải Anh mới chỉ rẽ ngang sang sân chơi chuyên nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học. Ký hợp đồng với Đồng Tháp năm 2009, Hải Anh sau đó được cho mượn tại Kiên Giang. Nhờ phong độ ấn tượng và giúp Kiên Giang thăng hạng V - League 2012, Hải Anh được Đồng Tháp gọi về, trước khi anh quyết định gia nhập Đồng Nai vào đầu mùa giải này.


Là một “cử nhân” đá bóng vừa là thiệt thòi, vừa là điểm mạnh của Hải Anh. Ngoài tư duy chơi bóng sáng sủa, anh cũng ý thức rất rõ về đạo đức nghề nghiệp. Trong một môi trường đầy cám dỗ, nhiều cầu thủ Đồng Nai đã không kiềm chế được bản thân và bán mình cho quỷ dữ. Nhiều tài năng hứa hẹn của XM The Vissai Ninh Bình cũng sa ngã. Giữa những scandal cá độ và dàn xếp tỷ số đó, Hải Anh vẫn âm thầm vươn lên và tỏa sáng.


Tất nhiên, bóng đá là một cuộc chơi khó dự báo trước. Một “cử nhân” khác là Phan Anh Tuấn (XM The Vissai Ninh Bình) cũng đã “nhúng chàm”, ngay sau khi được tung hô là một phát hiện mới của V - League. Trên vết xe đổ đó hy vọng không có Nguyễn Hải Anh.


Bảo An

Than Quảng Ninh lo lắng chuyển đổi mô hình
Than Quảng Ninh lo lắng chuyển đổi mô hình

Vào thời điểm V-League 2014 kết thúc, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cũng chính thức thoái vốn, không quản lý CLB bóng đá Than Quảng Ninh (TQN) và bàn giao lại cho tỉnh Quảng Ninh. Đây cũng là thời điểm hợp đồng giữa TQN với hầu hết các cầu thủ trong đội bóng kết thúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN