Mùa giải mới của bóng đá Việt Nam chưa khởi tranh nhưng đã bộc lộ những bất cập trong điều lệ thi đấu. Sau những tranh cãi xung quanh khả năng để đội tuyển U22 tham dự V-League 2013, những quy định về lên, xuống hạng ở cuối mùa giải này càng khiến cho người ta nghi ngờ về chất lượng của các giải đấu.
Vicem Hải Phòng "trụ hạng" V-League nhờ mua suất của Khatoco Khánh Hòa. Ảnh: internet |
Cuối năm 2012, sự kiện CLB bóng đá Hà Nội và Navibank Sài Gòn bị giải thể vì lý do tài chính, cùng với việc CLB Hà Nội không được phép thăng hạng do vi phạm quy định cấm “một ông chủ, hai đội bóng”, đã khiến V-League 2013 chỉ còn lại 11 đại diện tham dự. Trong thế bí, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã đề xuất phương án để U22 Việt Nam thi đấu tại V-League 2013, như một sự chuẩn bị cho SEA Games 27 vào cuối năm.
Sau đó, trước phản ứng dữ dội từ giới chuyên môn và dư luận, VFF đã phải gạt bỏ ý tưởng này và thay thế bằng việc đôn Đồng Nai lên hạng. Nhưng vào thời điểm này, bên cạnh những dấu hỏi về thực lực của tân binh Đồng Nai, điều làm người ta lo ngại hơn nữa là việc VFF “ép” 3 đội thăng hạng V-League 2014, song song với 1 suất xuống hạng. Tương tự như vậy, sẽ có 5 đội hạng Nhì lên chơi ở hạng Nhất 2014, đổi lại 1 suất xuống hạng. Ý tưởng của VFF là muốn duy trì sự ổn định về số lượng 14 đội V-League và 10 đội hạng Nhất từ mùa giải 2014, nhưng cách “làm tròn số” như vậy liệu có ổn?
Theo đánh giá, giải hạng Nhất hiện không có nhiều đội bóng hội đủ những tiêu chí chuyên nghiệp để lên chơi ở V-League. Ngoài những vấn đề lớn là kinh phí hoạt động (khoảng 40-50 tỷ đồng/mùa) và chất lượng đội hình, thì cơ sở vật chất cũng là một trở ngại không nhỏ. Ngay như Đồng Nai cũng đang xin phép Ban tổ chức V-League vừa đá, vừa hoàn thiện dần việc tu sửa sân bãi, lắp dàn đèn chiếu sáng…
Các đội bóng hạng Nhì thì càng rắc rối hơn do mọi mặt chỉ hạn chế ở mức nghiệp dư, nên việc “nâng cấp” tới 5 đội lên chuyên nghiệp vào năm 2014 giống như bắt họ phải khoác một chiếc áo quá khổ. Nên nhớ, ngay cả khi được thăng hạng Nhất 2013 như Trẻ Khánh Hòa và Bà Rịa Vũng Tàu, họ cuối cùng cũng bỏ đá luôn do thiếu kinh phí. Cũng không thể trách các đội bóng này, bởi khi “bầu sữa” doanh nghiệp đã cạn thì ngay cả Khatoco Khánh Hòa cũng đã phải bán suất V-League cho Hải Phòng, trong khi Navibank Sài Gòn và CLB bóng đá Hà Nội phải giải tán.
Ngoài chuyện phân phối suất thăng hạng “ồ ạt” đang đe dọa chất lượng của các giải đấu mùa sau, các giải bóng đá Việt Nam mùa này hiện cũng phải đối mặt với khả năng các đội “đá cầm chừng”, “đá cho xong”, cũng vì những quy định lên, xuống hạng phức tạp. Lấy ví dụ như trường hợp của TDC Bình Dương ở hạng Nhất, họ sẽ phấn đấu vì cái gì khi đằng nào cũng bị cấm thăng hạng do sự tồn tại của Becamex Bình Dương ở V-League hiện nay?
Không phải đội bóng nào cũng “lách luật” được như CLB Hà Nội, đội bóng vừa được Công ty cổ phần thể thao T&T chuyển giao cho một doanh nghiệp khác. Trước khi về tay Công ty cổ phần Nhựa Quang Huy, CLB Hà Nội cũng đã bị cấm thăng hạng do “đụng hàng” với Hà Nội T&T.
Đó là chưa nói đến khả năng Becamex Bình Dương phải xuống hạng và TDC Bình Dương không được lên hạng. Khi đó, cả hai đội bóng cùng một ông chủ này sẽ cùng chơi ở hạng Nhất hay sẽ “mọc” thêm một quy định mới là… cấm Becamex Bình Dương xuống hạng?
Điều đáng tiếc là những kẽ hở trong quy định không cho phép “một ông chủ, hai đội bóng” vẫn đang bị khai thác. Bầu Hiển đã bán CLB Hà Nội, nhưng ông hiện vẫn là ông chủ của SHB Đà Nẵng, đồng thời là nhà tài trợ chính cho Hà Nội T&T. Tuyên bố sẽ thưởng nếu Hà Nội T&T “chơi đẹp” ở mùa giải 2013 vừa được ông bầu này đưa ra sau khi ông thưởng hơn 1 tỷ đồng cho SHB Đà Nẵng vì đoạt Siêu Cúp quốc gia.
Hơn lúc nào hết, trong kế hoạch cải tổ nền bóng đá nước nhà, lãnh đạo VFF và VPF cần phải xem xét lại ngay những quy định, điều lệ đang bộc lộ những bất cập.
Song Long