Chiến lược phát triển bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam: Gian nan tìm hướng đi

Một số tín hiệu vui đã đến với bóng đá Việt Nam trước thềm mùa giải mới 2013: Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) mời được một chuyên gia Nhật Bản sang tham gia hoạch định chiến lược cho các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam, trong khi một doanh nghiệp đã “dũng cảm” tiếp nhận CLB Hà Nội từ Công ty cổ phần thể thao T&T. Liệu có thể trông chờ bước đột phá của bóng đá Việt Nam trong năm nay?


Ngay khi đặt chân tới Việt Nam với tư cách là cố vấn cho ông Võ Quốc Thắng (Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF), chuyên gia Kazuyoshi Tanabe đã chỉ ra bất cập lớn nhất của các CLB bóng đá Việt Nam: Phụ thuộc quá nhiều vào “bầu sữa” của một doanh nghiệp. Chính vì sự phụ thuộc này mà phần lớn các đội bóng đều lao đao khi công việc kinh doanh của các ông bầu gặp khó khăn. Điển hình là vào cuối mùa giải năm ngoái, một số đội bóng đã bị giải thể (CLB bóng đá Hà Nội, Navibank Sài Gòn) hoặc được bán lại (Khatoco Khánh Hòa).


Tất nhiên, không cần đến chuyên gia thì những người làm bóng đá Việt Nam cũng nhìn thấy bất cập này. Vấn đề là chúng ta sẽ chỉnh sửa mô hình xây dựng một CLB bóng đá chuyên nghiệp như thế nào cho phù hợp với thực trạng kinh tế, xã hội tại Việt Nam.


Trong bối cảnh những dự báo về tình hình kinh tế chưa có gì sáng sủa, hy vọng về việc các đội bóng tìm được nhiều nguồn tài chính khác nhau để có thể duy trì sự ổn định trong hoạt động là rất khó thành hiện thực, chưa nói đến chuyện “lấy bóng đá nuôi bóng đá”. CLB Hà Nội (hạng Nhất) từng bị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ chối tiếp nhận, trước khi đội bóng vừa được chuyển giao cho Công ty cổ phần Nhựa Quang Huy. Vào thời điểm hiện tại, việc một doanh nghiệp chưa từng làm bóng đá quyết định đầu tư vào lĩnh vực này được xem là một sự mạo hiểm lớn, bởi đầu tư vào mà chưa nhìn thấy “cửa” thu hồi vốn. Mừng đấy nhưng lo đấy, khi tương lai lâu dài của CLB Hà Nội vẫn không có gì chắc chắn.


Nhìn rộng hơn, nếu nền kinh tế vẫn khó khăn, không loại trừ sẽ còn nhiều ông bầu tiếp tục “bỏ của chạy lấy người” như hồi cuối năm 2012. Bởi vì khắp sân chơi V-League hiện nay, đội bóng nào cũng đang phải sống dựa vào “bầu sữa” của một doanh nghiệp. Thậm chí, cả 3 giải đấu của Việt Nam (V-League, hạng Nhất, Cúp quốc gia) cũng đều phụ thuộc vào tiền tài trợ của một doanh nghiệp là Eximbank.


Rõ ràng, chuyên gia Tanabe đang đối mặt với những thách thức lớn khi chấp nhận lời mời của VPF. Nhưng suy cho cùng, VPF và đặc biệt là Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không thể chỉ trông chờ vào “viện binh”. Đó càng không phải là cái cớ để họ biện hộ nếu việc hoạch định chiến lược cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tiếp tục bế tắc. Ông Tanabe từng có kinh nghiệm điều hành tại một số CLB Nhật Bản, cũng như từng được “cọ xát” tại một trong những nền bóng đá lớn là Pháp (CLB Grenoble Foot), nhưng môi trường bóng đá Việt Nam lại có những đặc thù riêng.


Tóm lại, tiềm năng thì không thiếu nhưng khai thác tiềm năng ra sao để phát triển nền bóng đá Việt Nam lại không hề đơn giản.


Song Long

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN