ASIAD 2023 - Kết nối tương lai từ tinh hoa thể thao châu Á

Chỉ đứng sau Đại hội Thể thao thế giới (Olympic) mùa Hè về quy mô tổ chức và thành tích thi đấu, Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) từ lâu đã trở thành niềm tự hào, thậm chí là biểu tượng của thể thao châu Á.

Chú thích ảnh
Khu thi đấu tennis trong Trung tâm thể thao Hàng Châu phục vụ Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 (2023) ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 9/9/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Tối 23/9, ngọn đuốc của kỳ đại hội lần thứ 19 - ASIAD 2023 - sẽ được thắp lên đài lửa tại sân vận động Trung tâm thể thao Olympic Hàng Châu của Trung Quốc trong lễ khai mạc được hứa hẹn "đáng nhớ nhất lịch sử". Qua khẩu hiệu “Heart to Heart, @Future” (Từ trái tim tới trái tim, hướng đến tương lai), Ban tổ chức ASIAD 2023 mong muốn đề cao sức mạnh đoàn kết, tương trợ, tinh thần thượng võ, sự đa dạng văn hóa, di sản và kế thừa tinh hoa của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự sự kiện thể thao lớn nhất châu lục, để cùng phát triển, cùng hướng tới một tương lai hưng thịnh.

Sau một năm phải trì hoãn do những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho đại hội năm nay. Đây là lần thứ 3 quốc gia này đăng cai Á vận hội, sau kỳ đại hội năm 1990 tại Bắc Kinh và năm 2010 tại Quảng Châu. Nước chủ nhà khẳng định ASIAD 2023 sẽ được tổ chức trên tinh thần: “Xanh, thông minh, văn minh, tiết kiệm, nhân văn và mang lại lợi ích cho người dân”. Ông Trần Vệ Cường (Chen Weiqiang) - Tổng Thư ký điều hành Ðại hội Thể thao châu Á Hàng Châu kiêm Phó Thị trưởng Hàng Châu, nhấn mạnh: “Ðây là điểm khởi đầu trong kỷ nguyên mới của một kỳ đại hội thể thao châu Á thông minh với công nghệ cao, kỹ thuật số, xanh, ít carbon và thân thiện với môi trường”. 

Với tham vọng này, Ban tổ chức ASIAD 2023 đã khởi xướng 8 dự án đặc biệt nhằm giảm lượng khí thải như: xây dựng địa điểm xanh, cung cấp năng lượng xanh, nâng cấp giao thông xanh, cố gắng giảm thiểu lượng khí thải carbon… Đối với các địa điểm phục vụ thi đấu, Ban tổ chức chú trọng tận dụng hệ thống các cơ sở vật chất sẵn có và chỉ xây mới 12 địa điểm. Việc xây mới này cũng tuân thủ hướng dẫn về thiết kế kiến trúc xanh và lành mạnh, trong đó ưu tiên sử dụng các công nghệ và vật liệu xanh. Trong việc quản lý và vận hành các địa điểm, Ban tổ chức cũng sử dụng năng lượng xanh để giảm lượng khí thải carbon. Tất cả nguồn điện cho ASIAD 2023 đều đến từ năng lượng gió hoặc quang điện ở các khu vực phía Tây Bắc Trung Quốc như Tân Cương, Thanh Hải và Nội Mông. Nguồn năng lượng xanh này được vận chuyển đến các địa điểm của ASIAD 2023 thông qua dự án "Truyền tải điện từ Tây sang Đông".

Nhằm mục tiêu "xanh hóa mọi hoạt động", lễ khai mạc ASIAD 2023 sẽ không có màn bắn pháo hoa như các sự kiện quy mô lớn trước đây, ngọn đuốc đại hội cũng sử dụng nhiên liệu xanh. Ông Sa Hiểu Lam - Tổng đạo diễn lễ khai mạc ASIAD 2023 - cho biết toàn bộ lễ khai mạc không phát thải carbon mà tận dụng triệt để các phương tiện công nghệ cao để tối đa hóa trải nghiệm cảm xúc, bằng cái đẹp và tinh thần nhân văn, phản ánh nét đặc sắc văn hóa Trung Quốc trong thời đại mới. Sự kiện có chủ đề "Hướng về châu Á" này cũng sẽ chứng kiến lần đầu tiên trong lịch sử ASIAD, lễ thắp đuốc được tiến hành trên nền tảng kỹ thuật số kết hợp thực tế. Trước đó, Trung Quốc cũng đã triển khai chương trình rước đuốc kỹ thuật số cho ASIAD 2023. Đây cũng là sự kiện rước đuốc dựa trên blockchain đầu tiên trên thế giới, thu hút hơn 100 triệu người tham gia, trong đó người lớn tuổi nhất là 98 tuổi, người trẻ nhất là 12 tuổi.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Trung tâm thể thao Hàng Châu phục vụ Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 (2023) ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 16/9/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Tiêu chí "ASIAD xanh" được Ban tổ chức tính toán chi tiết đến năng lượng tiêu hao của từng bóng đèn, từng máy điều hòa, từng chiếc thang máy. Tầng 4 và tầng 5 của Nhà thi đấu Trung tâm thể thao Olympic Hàng Châu được chia thành hơn 70 khu vực để lắp cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, mật độ người qua lại, từ đó tính toán và xây dựng phương án tiêu thụ năng lượng điện phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế của mỗi khu vực để vừa thực hiện cắt giảm phát thải CO2 vừa tránh lãng phí tài nguyên.

Ngoài ra, trên đỉnh mái của Nhà thi đấu và Cung thể thao dưới nước ở Trung tâm thể thao Olympic Hàng Châu cũng lắp đặt 210 thanh điều hướng ánh sáng được điều khiển bằng hệ thống thông minh để đưa ánh sáng bên ngoài vào trong, giúp tiết kiệm được 100.000 KW điện mỗi năm.

ASIAD 2023 cũng hướng đến giao thông xanh, khi hơn 2.000 ô tô năng lượng mới của Ban tổ chức đưa vào sử dụng để cung cấp dịch vụ đưa đón tại các địa điểm thi đấu và Làng Á vận hội. Rác thải từ các hoạt động tổ chức và từ Làng Á vận hội 2023 cũng được thu gom hằng ngày theo hệ thống xử lý rác toàn diện “ASIAD không rác thải”, sau đó được vận chuyển đến nhà máy đốt rác để chuyển hóa thành năng lượng. Một số địa điểm tổ chức đã áp dụng hệ thống tái chế nước. Chẳng hạn, nhờ hệ thống tái chế nước mưa, Trung tâm thể thao Fuyang (nơi thi đấu môn chèo thuyền) có thể tiết kiệm khoảng 1.000 khối nước mỗi tháng, chiếm 35% lượng tiêu thụ. Ngay cả những thú bông linh vật của ASIAD 2023 cũng được làm từ bằng công nghệ in kỹ thuật số. So với công nghệ in truyền thống, quy trình kỹ thuật số không tạo ra bất kỳ sự lãng phí nước, khí đốt hoặc bột giấy nào. Những thú bông linh vật được các công nhân cắt bằng kéo điện thay vì máy cắt laser để giảm ô nhiễm không khí.

ASIAD tại Hàng Châu cũng đặt ra tiêu chí “thông minh” khi tung ra những nền tảng công nghệ. Tiêu biểu là hạ tầng điện toán đám mây do Alibaba cung cấp, sẽ lần đầu giúp các nhà tổ chức đưa công tác chăm sóc y tế của một sự kiện thể thao lên tầm cao mới. Với nền tảng 5G và Internet vạn vật (IoT), toàn bộ hoạt động thi đấu của ASIAD sẽ được giám sát sức khỏe, hỗ trợ y tế dựa trên thời gian thực. Khoảng 120 hệ thống cấp cứu tại chỗ sẽ giải quyết các vấn đề về y tế ngay lập tức nhờ khả năng phát hiện sự cố của trung tâm điều hành. Nghĩa là tình trạng sức khỏe của những người tham gia sự kiện sẽ được theo dõi trực tuyến, khi sự cố xảy ra thì những trung tâm cấp cứu sẽ biết ngay mình phải làm gì mà không cần đến việc thăm khám.

Cũng dựa trên công nghệ đám mây, toàn bộ hoạt động của làng VĐV được cá nhân hóa tối đa, gần như không cần nhân viên phục vụ. Mỗi thành viên trong làng sẽ tự xử lý mọi việc trên chính điện thoại di động của mình. Thậm chí, đến phòng giải trí trong làng cũng không cần nhân viên. khi những robot thông minh chơi piano phục vụ khách, xe buýt di chuyển đến khu liên hợp thể thao không có người lái, trong khi xe tự vận hành đi thu gom rác…

ASIAD 2023 là kỳ Á vận hội có số lượng VĐV tham dự đông nhất trong lịch sử, với gần 13.000 VĐV đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài 40 môn thi đấu với 61 phân môn, 461 nội dung thi đấu tổ chức tại thành phố Hàng Châu và 5 thành phố vệ tinh: Ninh Ba, Ôn Châu, Kim Hoa, Thiệu Hưng và Hồ Châu - cùng ở tỉnh Chiết Giang, một trong những khu vực thịnh vượng nhất Trung Quốc. Kỷ lục trước đó được thiết lập tại ASIAD lần thứ 18 diễn ra tại Indonesia vào năm 2018, với 11.420 VĐV góp mặt. 

Chú thích ảnh
Thành viên trong đoàn thể hiện quyết tâm trước khi lên đường tham dự ASIAD 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc), ngày 20/9/2023. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 2023 với 504 thành viên, trong đó có 337 VĐV, 90 HLV và 11 chuyên gia. Đoàn thi đấu 31/40 môn thể thao, 202/483 nội dung của đại hội, với mục tiêu giành 2-5 HCV tập trung vào nhóm môn điền kinh, cờ tướng và võ thuật, đồng thời nỗ lực đoạt nhiều vé tham dự Olympic Paris 2024 (Pháp). 

Đây cũng sẽ là kỳ đại hội đầu tiên ra mắt một số môn thể thao phổ biến trong giới trẻ như Breakdance hay Thể thao điện tử (E-sports). Thậm chí, một số môn thể thao mang tính đặc thù của một số quốc gia như đua thuyền rồng, kurash hay cầu mây, dù không được công nhận thuộc nhóm môn Olympic nhưng vẫn được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của ASIAD 2023, với mong muốn tạo nên nét đặc sắc riêng cho kỳ đại hội này.

Trung Quốc hiện là quốc gia giàu thành tích trong lịch sử ASIAD, khi luôn giữ vị trí đầu bảng tổng sắp huy chương trong 10 kỳ đại hội gần nhất, với tổng số 1.473 HCV. Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 2 với 1.032 HCV, tiếp đó là Hàn Quốc - 745 HCV.

Thanh Phương (TTXVN)
ASIAD 2023: Đội tuyển nữ Việt Nam tin vào tấm vé đi tiếp
ASIAD 2023: Đội tuyển nữ Việt Nam tin vào tấm vé đi tiếp

Vượt qua Nepal với tỷ số 2-0 đồng thời Nhật Bản thắng Bangladesh tới 8-0 mở ra cơ hội đứng vị trì nhì bảng D và có tấm vé đi tiếp tại môn bóng đá nữ ASIAD 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN