Quyết định của Thủ tướng Narendra Modi tặng các nhà lãnh đạo thế giới một chiếc khăn dệt tay trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 là hành động bắt nguồn từ lịch sử và mang tính biểu tượng đối với thủ tướng Ấn Độ trong bối cảnh nhà lãnh đạo muốn làm nổi bật phong trào tự do của đất nước trên trường toàn cầu.
Theo đài truyền hình CNN, khi các nhà lãnh đạo của các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bước vào đài tưởng niệm Rajghat dành cho Mohandas K. Gandhi, người cha yêu quý của nền độc lập Ấn Độ bị ám sát năm 1948, họ đã quàng lên vai những chiếc khăn làm từ vải dệt khadi, một biểu tượng quan trọng trong cuộc đấu tranh bất bạo động giúp Ấn Độ giành được độc lập khỏi ách thống trị của thực dân Anh.
Đối với nhà lãnh tụ tinh thần Gandhi – nhân vật đã trở thành một biểu tượng toàn cầu về hòa bình và đấu tranh bất bạo động, vải khadi là biểu tượng của sự tự lực. Đây là hàng hoá được người Ấn Độ sản xuất tại địa phương, với ngụ ý tẩy chay các sản phẩm nhập khẩu hoặc hàng hoá do Anh sản xuất trong thời kỳ thuộc địa. Vải dệt khadi cho người Ấn Độ thấy rằng họ có khả năng phát triển tiềm năng công nghiệp của mình, giải phóng đất nước khỏi sự phụ thuộc vào các thống đốc thuộc địa trước đây.
Lãnh tụ Gandhi thường dệt vải khadi làm quần áo trên một chiếc guồng quay có tên charkha, một công cụ đã trở thành biểu tượng cho sự giải phóng chính trị và kinh tế của đất nước.
Tại đài tưởng niệm Rajghat ngày 10/9, các nhà lãnh đạo thế giới quàng khăn khadi, lặng im đứng trước một bục đá cẩm thạch, tưởng nhớ tới nhà lãnh tụ vĩ đại Gandhi.
“Vào thời điểm các quốc gia hội tụ, những lý tưởng vượt thời gian của Gandhi Ji đã hướng chúng ta về mộ, tầm nhìn chung một tương lai toàn cầu hài hòa, toàn diện và thịnh vượng”, Thủ tướng Modi viết trên tài khoản X.
Hội nghị G20 lần này là cột mốc quan trọng mà Ấn Độ chờ đợi từ lâu. Quốc gia Nam Á muốn khẳng định họ không chỉ là cầu nối cho các nước đang phát triển, mà còn là một cường quốc đang vươn mình trỗi dậy và là trung gian hòa giải cho phương Tây và Nga.