Nóng trong tuần: Thảm hoạ động đất ở Maroc; Hội nghị Thượng đỉnh G20 khai mạc tại New Delhi

Thảm hoạ động đất kinh hoàng ở Maroc; Hội nghị Thượng đỉnh G20 khai mạc tại New Delhi; Nhật Bản phóng tên lửa mang tàu đổ bộ lên Mặt Trăng; Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta; Chính quyền quân sự Gabon bổ nhiệm Thủ tướng lâm thời sau đảo chính là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Thảm hoạ động đất kinh hoàng ở Maroc

Chú thích ảnh
Đống đổ nát tại thành phố Marrakesh sau trận động đất hôm 9/9. Ảnh: AFP

Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Địa chất Đức (GFZ) thông báo một trận động đất có độ lớn 7,0 đã làm rung chuyển Maroc vào lúc 22h10 GMT ngày 8/9 (tức 5h10 ngày 9/9 theo giờ Hà Nội).

Tâm chấn của trận động đất nằm ở độ sâu 10km, ban đầu được xác định ở tọa độ 30,92 độ vĩ Bắc và 8,42 độ kinh Tây. Trong khi đó, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cũng thông báo một trận động đất có độ lớn 6,8 đã xảy ra ở khu vực cách vùng Oukaïmedene của Maroc 56 km về phía Tây.

Theo lời kể của các nhân chứng, có nhiều đợt rung chấn kéo dài khoảng 20 giây.

Tính đến tối ngày 9/9, Bộ Nội vụ Maroc cho biết số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất mạnh đã lên đến 820 người, với 672 người bị thương.

Một quan chức địa phương cho biết hầu hết các nạn nhân tập trung ở các khu vực núi cao khó tiếp cận. Thành phố Marrakech là địa điểm gần nhất vùng tâm chấn. Động đất đã làm sập nhiều tòa nhà ở thành phố cổ được UNESCO công nhận là Di sản thế giới này. Các địa phương khác bị ảnh hưởng bao gồm Al Haouz, Ouarzazate, Azilal, Chichaoua và Taroudant.

Đây là trận động đất gây nhiều thương vong nhất tại Maroc kể từ thảm họa năm 2004 ở vùng gần Al Hoceima, vùng núi Rif ở phía Bắc nước này khiến trên 600 người thiệt mạng.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 khai mạc tại New Delhi

Chú thích ảnh
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 9/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 9/9, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc tại Trung tâm hội nghị Bharat Mandapam, thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Hội nghị sẽ kéo dài đến hết ngày 10/9.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo G20 đã đạt được đồng thuận về việc cấp tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU).

“Ấn Độ đã đề xuất Liên minh châu Phi nên được trao tư cách thành viên thường trực của G20. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều đồng ý với đề xuất này”, ông Modi nói.

Là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, Ấn Độ ưu tiên tăng cường tiếng nói của các quốc gia Nam Bán cầu và đưa chủ đề này thành trọng tâm trong chương trình nghị sự của nhóm.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Modi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường niềm tin và sự tin cậy lẫn nhau. Ông nhấn mạnh rằng đã đến lúc thế giới phải cùng nhau hành động. Ông cho rằng vì thế hệ tương lai, các quốc gia phải cùng nhau tìm ra giải pháp vững chắc cho các vấn đề còn tồn tại như sự chia rẽ Bắc – Nam, khoảng cách Đông – Tây, sự quản lý về lương thực và nhiên liệu, khủng bố, an ninh mạng, y tế, an ninh năng lượng và nguồn nước.

Trong 2 ngày tới, các nhà lãnh đạo của G20 dự kiến thảo luận về tăng trưởng kinh tế bền vững, chính sách hành động về khí hậu, tài chính xanh, an ninh lương thực, cùng với các vấn đề khác.

Tuy nhiên, giới chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về khả năng hội nghị G20 ở New Delhi có đạt được sự đồng thuận về tuyên bố chung hay không. Lý do chủ yếu đằng sau mối lo ngại đó là tình hình xung đột Ukraine - chủ đề này là một điểm gây chia rẽ trong chương trình nghị sự chung, mặc dù nước chủ nhà Ấn Độ nhiều lần tuyên bố rằng G20 là diễn đàn để thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển và hợp tác kinh tế.

Nhật Bản phóng tên lửa mang tàu đổ bộ lên Mặt Trăng

Chú thích ảnh
Tên lửa đẩy H2-A mang theo Tàu đổ bộ thông minh thăm dò Mặt Trăng (SLIM) được phóng lên từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima, miền Nam Nhật Bản, ngày 7/9/2023. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Sáng 7/9, Nhật Bản đã phóng thành công tên lửa đẩy H2-A mang theo Tàu đổ bộ thông minh thăm dò Mặt Trăng (SLIM) và vệ tinh Sứ mệnh quang phổ và hình ảnh tia X (XRISM) vào không gian.

Vụ phóng được thực hiện tại Trung tâm Vũ trụ Tanegashima ở miền Nam Nhật Bản. Theo kế hoạch, SLIM - do Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) phát triển - sẽ đi vào quỹ đạo quanh Mặt Trăng khoảng 3 đến 4 tháng kể từ thời điểm rời bệ phóng và có khả năng đáp xuống bề mặt Mặt Trăng sau 4 đến 6 tháng.

SLIM được thiết kế để hạ cánh trong phạm vi 100m xung quanh một vị trí xác định cụ thể trên Mặt Trăng, ít hơn nhiều so với phạm vi thông thường là vài km.

Trong một tuyên bố trước khi phóng, JAXA nêu rõ: “Với việc chế tạo tàu đổ bộ SLIM, con người sẽ tạo ra sự thay đổi về chất, tiến tới có thể hạ cánh ở nơi chúng ta muốn, chứ không chỉ ở nơi dễ hạ cánh. Bằng cách đạt được điều này, chúng ta có thể hạ cánh xuống các hành tinh thậm chí còn khan hiếm tài nguyên hơn cả Mặt Trăng”.

JAXA nhấn mạnh chưa có trường hợp nào trước đây hạ cánh chính xác tại các địa điểm đã định trên những thiên thể có lực hấp dẫn đáng kể như Mặt Trăng.

Nếu thành công, dữ liệu do Nhật Bản thu thập được từ Mặt Trăng sẽ được sử dụng cho dự án Artemis do Mỹ dẫn đầu, với mục đích đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2025 và thúc đẩy hoạt động khám phá Mặt Trăng. Mục tiêu cuối cùng là khám phá Sao Hỏa.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta

Chú thích ảnh
Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Ngày 5 - 7/9, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan đã diễn ra tại Jakarta (Indonesia).

Sau 3 ngày làm việc khẩn trương với gần 20 hoạt động và khoảng 90 văn kiện được thông qua và ghi nhận, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan đã thành công tốt đẹp.

Trên tinh thần chủ đề “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác đã trao đổi về nhiều nội dung chiến lược đang đặt ra cho ASEAN và khu vực, thống nhất các định hướng củng cố và nâng tầm hợp tác, chuẩn bị cho những bước phát triển mạnh mẽ hơn và bứt phá trong tương lai.

ASEAN 43 đã đạt được 3 kết quả nổi bật:

Thứ nhất, dấu ấn về tầm vóc của ASEAN được khẳng định rõ nét và xuyên suốt. Tầm vóc của ASEAN ngày hôm nay là kết quả của cả một quá trình nỗ lực không mệt mỏi của ASEAN trong suốt hành trình 56 năm qua, trên nền tảng đoàn kết, tin cậy và hợp tác.

Thứ hai, các nỗ lực hiện thực hóa ASEAN là tâm điểm của tăng trưởng. Đây không chỉ là khát vọng mà còn là sứ mệnh của ASEAN nhằm bảo đảm tốt hơn, hiệu quả hơn môi trường hợp tác và phát triển cho 680 triệu người dân khu vực.

Thứ ba, chuẩn bị những hành trang ban đầu cho giai đoạn phát triển tiếp theo của ASEAN. ASEAN 43 đã xem xét, ghi nhận Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 xác lập khuôn khổ chiến lược của ASEAN trong 20 năm tới. Với các định hướng trải rộng trên trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, Tầm nhìn 2045 mở ra những hy vọng cho sự chuyển mình của ASEAN, hướng đến một ASEAN “tự cường, sáng tạo, năng động và lấy người dân làm trung tâm”.

Chính quyền quân sự Gabon bổ nhiệm Thủ tướng lâm thời sau đảo chính

Chú thích ảnh
Ông Raymond Ndong Sima phát biểu tại một diễn đàn ở Libreville, ngày 8/6/2012. Ảnh: AFP

Sau cuộc đảo chính ngày 30/8, chính quyền quân sự Gabon ngày 7/9 đã bổ nhiệm ông Raymond Ndong Sima, một đối thủ lớn của Tổng thống bị lật đổ Ali Bongo Ondimba, làm Thủ tướng lâm thời.

Ông Ndong Sima, nhà kinh tế 68 tuổi, từng giữ chức Thủ tướng dưới thời ông Bongo từ năm 2012 đến năm 2014 và là đối thủ của ông Bongo trong các cuộc bầu cử vào năm 2016 và 2023.

Trước đó, vào tuần trước, một nhóm sĩ quan cấp cao quân đội Gabon đã xuất hiện trên truyền hình ngày 30/8, tuyên bố Tổng thống Ali Bongo Ondimba đang bị quản thúc tại gia, trong khi nhiều người thân cận với ông đã bị bắt giữ. Nhóm sĩ quan quân đội cũng thông báo rằng họ đã lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, đồng thời giải tán chính phủ, giải tán Thượng viện, Hạ viện và Tòa án Hiến pháp.

Đến ngày 31/8, lực lượng cầm đầu cuộc đảo chính tại Gabon đã chỉ định Tư lệnh Lực lượng vệ binh cộng hòa Gabon - Tướng Brice Oligui Nguema - làm Chủ tịch Ủy ban Chuyển tiếp và Khôi phục thể chế (CTRI) kiêm Tổng thống lâm thời trong quá trình chuyển tiếp của quốc gia Trung Phi giàu tài nguyên dầu mỏ.

Tướng Brice Oligui Nguema đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời vào ngày 4/9 và sau đó vào ngày 7/9 đã ký sắc lệnh bổ nhiệm ông Raymond Ndong Sima làm Thủ tướng.

Trước các diễn biến ở Gabon, cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Trung Phi (ECCAS) ngày 4/9 đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên nước này. Hiện các diễn biến sau cuộc đảo chính ở Gabon đang được các quốc gia Trung Phi và trên toàn thế giới theo dõi.

Hải Vân/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Động đất tại Maroc: Lãnh đạo nhiều nước và tổ chức quốc tế cam kết hỗ trợ
Động đất tại Maroc: Lãnh đạo nhiều nước và tổ chức quốc tế cam kết hỗ trợ

Ngày 9/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), ông Antonio Guterres đã bày tỏ chia buồn với gia đình của khoảng 1.000 nạn nhân thiệt mạng và bị thương trong trận động đất kinh hoàng ở Maroc cùng ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN