Hãng thông tấn SANA của Xyri đưa tin ngày 7/2, Ủy ban Quốc gia soạn thảo hiến pháp của nước này đã hoàn tất công việc và đệ trình một dự thảo hiến pháp mới lên Tổng thống Bashar al-Assad theo đúng các thủ tục lập hiến.
Ủy ban trên được Tổng thống Assad thành lập tháng 10 năm ngoái, gồm 29 giáo sư, luật sư và cả các gương mặt đối lập, với nhiệm vụ soạn thảo một hiến pháp mới cho Xyri trong vòng 4 tháng. Theo kế hoạch, dự thảo hiến pháp mới sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân vào đầu tháng Ba tới. Sửa đổi hiến pháp là một trong những yêu cầu chính của người biểu tình tại Xyri suốt gần một năm qua.
Nhận định về động thái trên, Nga cho rằng Tổng thống Assad đã "toàn tâm toàn ý" tìm cách chấm dứt bạo lực và đổ máu dù xuất phát từ nguyên nhân nào. Phát biểu nhân chuyến thăm Xyri cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: "Nga sẵn sàng giúp Xyri tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay dựa trên kế hoạch của Liên đoàn Arập (AL)". Ông cho biết thêm rằng Xyri cũng đồng ý để AL mở rộng sứ mệnh quan sát viên tại nước này.
Ngày 7/2, tại Đamát, Tổng thống Xyri Bashar al-Assad (phải) có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đang trong chuyến thăm Xyri. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu trong cuộc gặp ông Lavrov, Tổng thống Assad khẳng định Xyri quyết tâm hợp tác với "mọi nỗ lực ủng hộ sự ổn định tại Xyri". Ông nhấn mạnh rằng Xyri sẽ tiến hành một cuộc đối thoại dân tộc với sự tham gia của các đại diện chính phủ, phe đối lập và các gương mặt độc lập.
Trước đó, AL đã cử một phái bộ quan sát viên tới Xyri tháng 12/2011 để giám sát việc thực thi kế hoạch hòa bình do AL đề xuất. Phái bộ này đã phải tạm ngừng hoạt động chỉ một tháng sau khi bắt đầu vì bạo lực leo thang trên thực địa. Sau đó, AL đã đưa ra một kế hoạch mới đề nghị ông Assad chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Faruq al-Shara và thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử dân chủ.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, ứng cử viên tổng thống của Dảng Cộng hòa năm 2008, cho rằng đã đến lúc Oasinhtơn nên cân nhắc cung cấp vũ khí cho phe đối lập, giải pháp mà ông lập luận là "để chấm dứt ngay tình trạng đổ máu". Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố Chính phủ Mỹ hiện loại trừ khả năng cung cấp vũ khí cho phe đối lập tại Xyri, thay vào đó đang thảo luận với các đồng minh về cách thức hỗ trợ nhân đạo cho người dân Xyri. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cũng cho rằng "Thêm vũ khí vào Xyri không phải là lời đáp cho khủng hoảng". Theo bà, Xyri cần một cuộc đối thoại dân chủ toàn quốc để chấm dứt bạo lực.
Tại Xyri, bạo lực vẫn tiếp diễn ở "điểm nóng" Homs và ít nhất 15 dân thường đã thiệt mạng trong 4 vụ nổ liên tiếp trong vòng 20 phút ngày 7/2. Bộ Nội vụ Xyri cam kết tăng cường các chiến dịch công kích các "nhóm khủng bố" cho đến khi an ninh và trật tự được lập lại tại Hômxơ và các tỉnh lân cận.
Đến nay đã có hơn 6.000 người thiệt mạng sau 11 tháng xảy ra các vụ xung đột trong các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Xyri.
TTXVN/Tin Tức