Xung đột ở Ukraine làm lộ lỗ hổng trong ngành công nghiệp quân sự của Mỹ

Lầu Năm Góc vừa thông báo chi tiết về yêu cầu ngân sách trị giá 842 tỷ USD mà các quan chức cho biết tập trung vào đối phó với Trung Quốc. Nhưng ngân sách này cũng phản ánh một điều là xung đột ở Ukraine đã làm Lầu Năm Góc nhận thấy cần làm cách khác để đảm bảo có đủ vũ khí trong trường hợp xảy ra xung đột trực tiếp.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo tờ Politico, xung đột ở Ukraine đã làm lộ một lỗ hổng trong ngành công nghiệp quân sự của Mỹ khi các nhà sản xuất vũ khí phải chật vật đáp ứng nhu cầu về tên lửa và đạn dược.

Lần đầu tiên, Bộ Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu Quốc hội cấp tiền để mua những vũ khí này trong nhiều năm, thay vì đặt hàng hàng năm. Các quan chức Mỹ hi vọng động thái này sẽ giúp tăng cường sản xuất vũ khí lên mức cao hơn cho cuộc chiến trong tương lai.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã sử dụng hình thức hợp đồng nhiều năm cho các chương trình máy bay và tàu vì hợp đồng kiểu này tiết kiệm tiền và đảm bảo dòng sản xuất ổn định. Sử dụng các loại hợp đồng tương tự cho đạn dược sẽ giúp ngành vũ khí hiểu rõ hơn về số lượng Bộ Quốc phòng Mỹ dự định mua, giúp các công ty quốc phòng lớn thương lượng các đơn đặt hàng số lượng lớn với các nhà cung cấp của mình.

Một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết xung đột ở Ukraine đã khiến Mỹ nhận ra rằng cần phải có một cơ sở công nghiệp vũ khí hiệu quả hơn cho chính mình.

Lầu Năm Góc đang đề nghị Quốc hội cấp 30,6 tỷ USD trong năm tài khóa 2024 để mua đạn dược, tăng 5,8 tỷ USD so với yêu cầu trong năm tài khóa 2023. Trong đó, sẽ có hàng tỷ USD dành cho đạn dược, tên lửa chiến thuật và chiến lược, cùng với ngân sách để phát triển công nghệ.

Quan chức Mỹ nói trên cho biết mặc dù thay đổi chiến lược mua vũ khí nói trên xuất phát từ cuộc chiến ở Ukraine, nhưng hầu hết các loại vũ khí này hiện không được chuyển đến Ukraine. Lầu Năm Góc hy vọng có tiền để hỗ trợ Ukraine trong xung đột chủ yếu thông qua ngân sách bổ sung mà Quốc hội phê chuẩn, mặc dù chỉ có một lượng ít trong ngân sách dành cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine hàng năm.

Theo quan chức trên, những gì họ đang làm ở đây là chiến lược rộng lớn hơn cho một cuộc chiến ở tầm cao hơn.

Bộ Quốc phòng Mỹ đang nghiên cứu áp dụng các chiến lược mua sắm tương tự đối với một số hệ thống vũ khí được gửi đến Ukraine, cụ thể là hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, hệ thống tên lửa dẫn đường phóng loạt và đạn pháo 155mm. Tuy nhiên, cần phải làm nhiều việc hơn, vừa trình yêu cầu lên quốc hội và thuyết phục ngành công nghiệp vũ khí rằng nhu cầu sẽ còn tiếp tục sau cuộc xung đột Ukraine.

Ngoài đạn dược, yêu cầu ngân sách của Lầu Năm Góc cũng gồm 37,7 tỷ USD để hiện đại hóa bộ ba hạt nhân, cũng như 145 tỷ USD để mua sắm và 170 tỷ USD dành cho nghiên cứu, phát triển công nghệ và kỹ thuật. Đây là những khoản đầu tư lớn nhất từ ​​trước đến nay.

Đề xuất ngân sách cũng có khoản 29,8 tỷ USD để đánh bại và phòng thủ tên lửa; 11 tỷ USD dành cho tên lửa cận âm tầm xa và siêu vượt âm; khoản ngân sách không gian lớn nhất từ ​​trước đến nay là 33,3 tỷ USD; 13,5 tỷ USD cho các hoạt động trên không gian mạng; và 9,1 tỷ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Chính quyền Tổng thống Biden 'bật đèn xanh' để người tị nạn Ukraine thêm thời gian ở Mỹ
Chính quyền Tổng thống Biden 'bật đèn xanh' để người tị nạn Ukraine thêm thời gian ở Mỹ

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang “bật đèn xanh” để hàng nghìn người Ukraine rời quê hương vì xung đột bùng phát cách đây một năm được ở lại Mỹ lâu hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN