Ngày 26/9, ứng cử viên đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris đã có cuộc gặp thứ bảy với Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky, tái khẳng định rằng sự ủng hộ của bà đối với người dân Ukraine là “không thay đổi”.
Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh Mỹ không thể và không nên cô lập mình khỏi phần còn lại của thế giới vì cô lập không phải là sự bảo vệ.
Vì vậy, theo ứng cử viên đảng Dân chủ, việc Washington ủng hộ Kiev không phải vì lòng từ thiện, mà vì đó là lợi ích chiến lược của Mỹ và Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ an ninh mà Ukraine cần để thành công trên chiến trường.
Bà Harris chia sẻ thẳng thắn rằng ở Mỹ “có một số người muốn ép Ukraine từ bỏ phần lớn lãnh thổ có chủ quyền, yêu cầu Ukraine chấp nhận trung lập và từ bỏ các mối quan hệ an ninh với các quốc gia khác”.
Tuy nhiên, theo bà Harris, “đây không phải là các đề xuất vì hòa bình. Thay vào đó, chúng là những đề xuất đầu hàng, điều này nguy hiểm và không thể chấp nhận được”.
Xem video ứng cử viên đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris bày tỏ sự ủng hộ với người dân Ukraine và nói về công thức đổi lãnh thổ lấy hoà bình cho Ukraine trong cuộc họp báo với Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky hôm 26/9/2024. Nguồn: Reuters
Trước đó khi chia sẻ trong podcast phỏng vấn được kênh YouTube "The Shawn Ryan Show" phát ngày 12/9, ứng cử viên phó tổng thống của đảng Cộng hoà J.D. Vance khẳng định ông Trump sẽ ngồi xuống bàn đàm phán với các lãnh đạo Liên bang Nga, Ukraine và châu Âu rồi nói: "Các anh cần hình dung một sự dàn xếp hòa bình trông như thế nào".
Thượng nghị sĩ bang Ohio mô tả thỏa thuận mà ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hoà, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ theo đuổi, bao gồm một số điều khoản chính: Liên bang Nga được giữ lại các khu vực đã chiếm đóng và hai bên thiết lập khu phi quân sự dọc ranh giới chiếm đóng của quân đội hai nước trên chiến trường.
Tại khu phi quân sự trên, Kiev sẽ dồn quân đầu tư phòng tuyến mạnh mẽ để ngăn các cuộc tấn công khác từ Liên bang Nga.
Ông Vance cho rằng mặc dù về cơ bản, Ukraine vẫn sẽ là quốc gia độc lập có chủ quyền nhưng Moskva vẫn sẽ nhận "sự bảo đảm về tính trung lập" từ Kiev.
Ứng viên phó tổng thống Mỹ nói thêm: "Ukraine sẽ không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Họ sẽ không gia nhập những tổ chức liên minh dạng như vậy. Tôi nghĩ sau cùng, tình hình sẽ thành ra như thế".
Bình luận về những đề xuất khép lại chiến sự với Liên bang Nga của ông Vance, Tổng thống Ukraine cho rằng đó là một ý tưởng không tốt, có thể dẫn đến một cuộc xung đột toàn cầu.
Ông Zelensky cho rằng giải thích: "Thông điệp của ông ấy dường như là Ukraine phải hy sinh. Điều này đưa chúng ta trở lại câu hỏi về cái giá phải trả và ai phải gánh chịu. Ý tưởng rằng cuộc chiến này sẽ chấm dứt bằng cách buộc Ukraine phải trả giá là không thể chấp nhận được".
Theo ông Zelensky, nếu kế hoạch của ông Vance được thực thi, Ukraine sẽ phải chấp nhận đánh đổi lãnh thổ để cuộc chiến dừng lại.
"Nhưng chắc chắn rằng điều đó sẽ không xảy ra. Kịch bản như thế này sẽ không có cơ sở trong các chuẩn mực quốc tế, trong luật lệ của Liên hợp quốc, trong công lý. Và nó cũng không nhất thiết chấm dứt chiến tranh. Nó chỉ là khẩu hiệu", ông Zelensky nhận xét.
Theo tổng thống Ukraine, quan điểm của ông Vance và ông Trump về tình hình dường như có những điểm khác biệt dù hai chính trị gia này đang liên danh tranh cử.
"Tôi phải nói rằng ông Trump thì không như vậy. Ông ấy và tôi đã nói chuyện qua điện thoại, và thông điệp của ông ấy tích cực nhất có thể, theo quan điểm của tôi", ông Zelensky nói thêm.
Theo tổng thống Ukraine, bất cứ ứng viên tổng thống hay phó tổng thống Mỹ nào cho rằng việc chấm dứt chiến sự bằng cách khiến Kiev từ bỏ lãnh thổ, đều phải chịu trách nhiệm về khả năng gây ra một cuộc chiến toàn cầu.
"Bởi vì người đó sẽ có ngụ ý với thế giới rằng hành vi như vậy là chấp nhận được", ông Zelensky giải thích.