Kể từ khi Israel bắt đầu tấn công Dải Gaza, vô số di sản văn hóa của người Palestine đã bị hư hại hoặc phá hủy. Giờ đây các địa điểm khảo cổ, công trình tôn giáo hàng nghìn năm tuổi và bảo tàng với các bộ sưu tập cổ đã bị hủy hoại, theo tờ Tin tức Jordan (jordannews.jo) mới đây.
Di sản văn hóa là một phần thiết yếu tạo nên bản sắc của một quốc gia và mang ý nghĩa biểu tượng to lớn, được công nhận và bảo vệ bởi vô số công ước, hiệp ước và tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, cuộc xung đột Israel - Hamas cho thấy sự tàn phá không thương tiếc những di sản văn hóa phong phú của Gaza.
Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực hết sức để lập danh mục các địa điểm này và xác định tình trạng hiện tại của chúng, nhưng không thể theo kịp tốc độ của sự tàn phá. Và trong khi sự mất mát về nhân mạng là thảm kịch lớn nhất trong bất kỳ cuộc chiến nào, việc phá hủy di sản văn hóa của Gaza cũng có thể được coi là nhằm xóa đi mối liên kết giữa người Palestine với dải đất này. Thật vậy, nhiều người được phỏng vấn cho bài viết này cho rằng đây chính xác là lý do tại sao các địa điểm này đang trở thành mục tiêu tấn công.
Báu vật quốc gia
Hamdan Taha là học giả, nhà khảo cổ học nổi tiếng và là cựu Tổng Giám đốc Cục Cổ vật Palestine ở Gaza. Trong một cuộc phỏng vấn sau khi rời khỏi Dải Gaza, ông đã nhấn mạnh vai trò lịch sử và nền văn minh của Palestine nói chung và Gaza nói riêng, mặc dù quy mô địa lý nhỏ bé của họ.
Ông giải thích: “Gaza đã chứng kiến sự pha trộn văn hóa, nơi các nền văn minh đan xen, tạo nên một di sản văn hóa phong phú và đa dạng”. Nhà khảo cổ học Taha đặc biệt chỉ ra cảng Gaza, nơi trong nhiều thế kỷ đã là trung tâm thương mại lớn trên Địa Trung Hải và tạo nên sự đa văn hóa này. Theo ông Taha, di sản văn hóa đó phản ánh bản sắc dân tộc của Palestine và “đó là chứng nhân cho những thời đại lịch sử và văn minh mà người Palestine đã trải qua, nên là báu vật quốc gia”.
Ông Taha lưu ý tầm quan trọng của những địa điểm này và tiềm năng mang lại du lịch và phát triển kinh tế của Gaza, nhưng Israel đang muốn "xóa bỏ mối liên hệ giữa người dân Gaza với vùng đất và lịch sử của họ".
Trong cuộc chiến ở Gaza năm 2014, ông Taha và các nhà khảo cổ học khác đã thành lập một ủy ban để đánh giá thiệt hại do các cuộc giao tranh gây ra. Họ tìm cách khôi phục và lập danh mục tất cả các cổ vật của Gaza, một phần là để chuẩn bị ứng phó với các cuộc xung đột trong tương lai. Tuy nhiên, quy mô của cuộc chiến hiện tại đã lấn át nỗ lực của họ.
Do các vụ bắn phá liên tục vào Dải Gaza kể từ ngày 7/10 năm ngoái, ông Taha và các chuyên gia khác cực kỳ khó đánh giá mức độ thiệt hại - bất chấp những nỗ lực hết mình của các học giả Palestine và nước ngoài đang theo dõi tình hình từ xa.
“Hầu hết thông tin chúng tôi thu được đều đến từ các nhà báo và những cá nhân ghi lại những cảnh này một cách tình cờ hoặc đi ngang qua địa điểm đó", ông Taha cho biết.
Trong số các di sản khác được xác nhận đã bị thiệt hại nghiêm trọng là Nhà thờ Hồi giáo Omari - lớn nhất và lâu đời nhất ở phía Bắc Gaza, có lịch sử, theo một số tài liệu, có niên đại 2.500 năm. Toàn bộ di sản đã bị phá hủy, chỉ còn lại ngọn tháp của nó. Nhà thờ Hồi giáo thể hiện lịch sử phong phú và đa dạng của Gaza: ban đầu là một ngôi đền ngoại giáo cổ xưa, sau đó được chuyển đổi thành nhà thờ Byzantine và cuối cùng được chuyển đổi thành nhà thờ Hồi giáo trong các cuộc chinh phục của người Hồi giáo.
Ông Taha nhấn mạnh rằng thiệt hại không chỉ giới hạn ở phía Bắc Gaza. Bảo tàng Rafah ở phía Nam Gaza - bảo tàng duy nhất trong khu vực - đã bị phá hủy hoàn toàn. Bảo tàng Al-Qarara gần Khan Younis, nơi có bộ sưu tập khoảng 3.000 hiện vật có niên đại từ người Canaan, nền văn minh Thời đại đồ đồng sống ở Gaza và phần lớn vùng Levant vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, đã bị hư hại nặng nề.
Nhà thờ Al-Khader ở trung tâm thành phố Deir Al-Balah, nơi có ý nghĩa đặc biệt là tu viện Thiên chúa giáo đầu tiên và lâu đời nhất được xây dựng ở Palestine, cũng bị hư hại khi một khu vực gần đó bị đánh bom.
Haneen Al-Amassi, nhà nghiên cứu khảo cổ học và Giám đốc điều hành của Tổ chức "Eyes on Heritage" thành lập năm ngoái, cho rằng việc phá hủy các địa danh và địa điểm khảo cổ này là một mất mát đáng kể đối với người dân Palestine - một điều rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, để bù đắp. Bà nói: “Không thể khôi phục lại những di tích này khi đối mặt với bom đạn liên tục. Tất cả lịch sử và sự linh thiêng của chúng đang trên bờ vực sụp đổ”.