Xung đột bùng phát ở Kosovo

Ngày 28/7, xung đột đã bùng phát ở miền bắc của Kosovo (khu vực đã đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Xécbia từ ngày 17/2/2008) giữa lực lượng chính quyền của người gốc Anbani chiếm đa số và nhóm người thiểu số gốc Xécbia.

Cửa khẩu Jarinje bị phóng hỏa ngày 28/7. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo tin của hãng AFP (Pháp), đến tối 28/7, Lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế do NATO đứng đầu ở Kosovo (KFOR) đã nắm quyền kiểm soát hai cửa khẩu trên biên giới Kosovo – Xécbia là Jarinje và Brnjak, vốn được đặt dưới quyền kiểm soát của Phái bộ dân sự của Liên minh châu Âu (EULEX) và chỉ cho các xe ô tô nhỏ của cá nhân qua lại.

Trước đó, hàng chục thanh niên gốc Xécbia đeo mặt nạ đã ném bom cháy vào Jarinje và dùng xe ủi san bằng cửa khẩu này, buộc 25 cảnh sát, nhân viên hải quan và một số thành viên EULEX phải chạy sang phía Xécbia lánh nạn. Hành động này là nhằm trả đũa việc hai ngày trước, chính quyền của người gốc Anbani đã đưa cảnh sát đến nắm quyền kiểm soát 2 cửa khẩu trên và ban hành lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa từ Xécbia.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi đơn phương tuyên bố độc lập năm 2008, Kosovo có hành động giành quyền kiểm soát khu vực tập trung đông người gốc Xécbia – nhóm người lâu nay vẫn chưa chịu thừa nhận chính quyền của người gốc Anbani. Động thái này của Kosovo đã dẫn đến những cuộc đụng độ giữa người dân địa phương và lực lượng cảnh sát, làm 1 cảnh sát thiệt mạng và 4 người bị thương.

Việc Kosovo ban hành lệnh cấm nhập hàng hóa của Xécbia cũng là một động thái bất ngờ, bởi lâu nay Kosovo vẫn lên án lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa từ khu vực này mà Xécbia ban hành sau sự kiện ngày 17/2/2008 là “không thể chấp nhận được”, do cả hai bên đã ký vào thỏa thuận tự do thương mại ở khu vực Balkan. Hơn nữa, Xécbia là nguồn cung cấp thực phẩm chính cho Kosovo với hơn 90% lượng thực phẩm nhập khẩu của Kosovo (tương đương 370 triệu USD/năm) là từ Xécbia.

Ngay sau khi nổ ra xung đột, Thủ hiến Kosovo Hashim Thaci đã cáo buộc chính quyền Xécbia phải chịu trách nhiệm về việc này. Trong khi đó, Tổng thống Xécbia Boris Tadic tuyên bố, Xécbia sẽ giải quyết cuộc xung đột một cách hoà bình đồng thời cảnh báo những nước ủng hộ hành động tương tự của người Kosovo gốc Anbani là phạm một "sai lầm khủng khiếp" và điều đó đang đẩy khu vực này vào một "nguy cơ to lớn". Ông cũng kêu gọi người Xécbia ở Kosovo bình tĩnh, bởi những kẻ cực đoan ở cả hai bên đang tìm cách ngăn cản tiến trình hòa bình, đối thoại giữa Xécbia và Kosovo.

Xung đột bùng phát ở bắc Kosovo đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại. Trong tuyên bố ra ngày 27/7, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, những hành động khiêu khích của chính quyền người gốc Anbani đang gây mất ổn định tình hình vốn đã rất mong manh tại khu vực, làm gia tăng căng thẳng, hủy hoại tiến trình đàm phán giữa Xécbia và Kosovo. Nga hy vọng, đại diện của Liên hợp quốc và EU ở Kosovo, cũng như KFOR thực hiện các biện pháp cần thiết để kiềm chế các tham vọng nguy hiểm của chính quyền Kosovo. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, mọi vấn đề tranh chấp phải được giải quyết thông qua đàm phán theo Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), NATO, Nga, Mỹ và một số nước khác cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở bắc Kosovo.

Theo đề nghị của Xécbia, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến hôm nay (29/7, theo giờ VN) sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp về Kosovo. Phát ngôn viên chính phủ Xécbia cho biết: “Xécbia hy vọng, tại cuộc họp này, đối thoại sẽ được chọn là giải pháp duy nhất cho Kosovo” và Kosovo sẽ phải cam kết không có hành động đơn phương gây áp lực với người thiểu số gốc Xécbia.

Người gốc Anbani chiếm tới 90% trong tổng số 2 triệu dân của Kosovo; trong khi người gốc Xécbia chỉ chiếm khoảng 5-10% và đến nay vẫn chỉ coi Bêôgrát của Xécbia là thủ đô của họ. Hiện nay, có 76/192 nước thành viên Liên hợp quốc công nhận chính quyền Kosovo.

Anh Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN