Theo đó, ban chiến dịch của Tổng thống Trump bị nghi ngờ đã liên lạc với phía Nga ít nhất 18 lần trong thời gian ông vận động tranh cử vào Nhà Trắng.
Sự trao đổi qua lại trên trước đó đã được ban chiến dịch giữ bí mật nhưng hiện đã bị xem xét như một phần trong cuộc điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Quốc hội về mối quan hệ của Tổng thống Trump với Chính phủ Nga.
Các cuộc hội thoại giữa những nhân viên trong nhóm tranh cử của ông Trump và các quan chức cấp cao bao gồm việc lập ra một kênh đặc biệt nằm trao đổi giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin mà không báo cáo lại - hãng tin Reuters dẫn nguồn một báo cáo điều tra mới.
Tổng thống Trump và đội ngũ cố vấn Nhà Trắng. Ảnh: Reuters |
Kênh bí mật này cho phép hai nhân vật này trao đổi thông tin mà không “đánh động” tới các quan chức an ninh quốc gia Mỹ. Những cuộc trao đổi trên đã gia tăng sau khi ông Trump thắng cử vào tháng 11/2016.
Tất cả 18 cuộc gọi và tin nhắn điện tử diễn ra từ khoảng tháng 4 - 11/2016, thời điểm mà các tin tặc thực hiện cái mà giới tình báo Mỹ kết luận hồi tháng 1 là một phần trong chiến dịch của Điện Kremlin để làm mất uy tín cuộc bầu cử, cũng như tác động lên cuộc bầu cử theo hướng có lợi hơn cho ông Trump so với đối thủ Hillary Clinton.
Những trao đổi trên tập trung vào hàn gắn mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Nga, vốn đang căng thẳng bởi các lệnh cấm vận chống Moskva, cùng với hoạt động hợp tác chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria và về Trung Quốc.
Theo các nguồn tin tiết lộ với Reuters, họ không tìm thấy bằng chứng sai trái hay sự thông đồng giữa ban chiến dịch của ông Trump và Nga trong những lần trao đổi. Tuy nhiên, vụ tiết lộ này có thể làm gia tăng thêm áp lực đối với Tổng thống Trump và đội ngũ cố vấn của ông phải cung cấp đầy đủ thông tin hơn về những lần tiếp xúc với Nga cho FBI và Quốc hội Mỹ.
Hiện Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận phản hồi về thông tin này. Trong khi luật sư của cựu cố vấn an ninh Michael Flynn từ chối phát biểu. Tại Moskva, một quan chức Bộ Ngoại giao Nga cũng từ chối bình luận về báo cáo mà Reuters có được.
Nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Armitage, từng giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, cho rằng: “Hiếm khi có nhiều cuộc điện đàm với các quan chức nước ngoài đến vậy, đặc biệt là với một đất nước chúng ta xem là một kẻ đối địch hoặc một cường quốc thù địch”.
Theo Washington Post, ông chủ Nhà Trắng thứ 45 Trump đã trở thành tâm điểm của báo chí trong tuần này khi có thông tin cho rằng ông đã
chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak trong cuộc gặp ở Nhà Trắng ngày 10/5.
Hai quan chức Mỹ nói với CNN rằng ông Trump đã tiết lộ thông tin mật cho Ngoại trưởng Lavrov về kế hoạch của nước này trong chiến dịch chống IS.
Nhà Trắng đã bác bỏ cáo buộc này, đồng thời khẳng định hai bên chỉ thảo luận về những mối đe dọa chung từ các tổ chức khủng bố quốc tế. Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17/5 khẳng định người đồng cấp Mỹ Donald Trump không hề tiết lộ thông tin mật cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và ông sẵn sàng chuyển bằng chứng cho Quốc hội Mỹ để làm sáng tỏ điều này.