WHO khuyến cáo về 'lựa chọn cuối cùng' tại châu Âu 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nước châu Âu nên coi biện pháp phong tỏa toàn quốc nhằm đối phó với làn sóng mới dịch bệnh COVID-19 hiện nay là "giải pháp cuối cùng".

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện gần Milan, Italy, ngày 19/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong thông báo đưa ra ngày 29/10 sau cuộc họp khẩn cấp với các bộ trưởng y tế châu Âu, Giám đốc WHO tại châu Âu Hans Kluge nhấn mạnh biện pháp đóng cửa, đảm bảo giãn cách xã hội sẽ giúp kiềm chế được tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng cũng như tạo điều kiện cho hệ thống y tế có quãng thời gian phục hồi. Tuy nhiên, ông cũng đồng thời cảnh báo về những tác động tiêu cực của việc phong tỏa toàn quốc, đó là gia tăng tình trạng rối loạn trong nước cũng như gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Giám đốc WHO tại châu Âu Hans Kluge nói: "Trước thực tế này, chúng tôi coi các biện pháp phong tỏa trên phạm vi cả nước là giải pháp cuối cùng vì chính các biện pháp này lại khiến việc thực hiện các biện pháp chống dịch hiệu quả hiện nay không được chú trọng." Theo ông, với số ca mắc mới tăng theo hình xoắn ốc hiện nay, việc xét nghiệm không thể thực hiện với quy mô lớn. Do vậy, các nước cần đánh giá nên tập trung nguồn lực vào đâu và cân đối điều chỉnh việc xét nghiệm và truy vết để tất cả các biện pháp cùng đồng thời phát huy hiệu quả cao nhất.

Theo số liệu thống kê mới nhất, châu Âu một lần nữa trở thành tâm điểm dịch COVID-19 trên thế giới, với tỷ lệ mắc mới, tử vong và nhập viện cùng tăng kỷ lục  trong vài ngày qua. WHO cho biết số ca mắc COVID-19 tại 53 quốc gia khu vực châu Âu, bao gồm cả Nga và một số nước Trung Á, đã vượt qua mốc 10 triệu ca trong ngày 29/10.

Trong khi đó, liên quan đến các giải pháp chống dịch khác tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sẽ dành một khoản ngân sách trị giá 220 triệu euro để chuyển các bệnh nhân COVID-19 từ các nước tâm dịch sang các nước láng giềng nhằm giảm tải cho hệ thống y tế đang quá tải tại một số nước.

Phát biểu sau hội nghị trực tuyến với 27 nước thành viên EU, Chủ tịch EC Von der Layen đã kêu gọi giới chức các nước chia sẻ thông tin để kế hoạch trên được triển khai hiệu quả. Lãnh đạo các quốc gia thành viên được kêu gọi tăng cường hợp tác, phối hợp các biện pháp đối phó với đại dịch COVID-19, vốn đang đẩy "Lục địa Già" vào giai đoạn khó khăn mới, thậm chí còn khắc nghiệt hơn đợt lây nhiễm đầu  tiên trong tháng 3-4 vừa qua. Theo bà Von der Layen, nếu EU không hành động kịp thời, hệ thống y tế châu Âu sẽ sụp đổ.

Nhiều nhà lãnh đạo cũng cho rằng các nước không nên đóng cửa biên giới với nhau, mà nên phối hợp chia sẻ các kỹ thuật tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh cũng như chuẩn bị kế hoạch phân phối vaccine một cách hiệu quả nhất. Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhấn mạnh rằng cách tiếp cận tổng thể của châu Âu có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đối phó với dịch.

Trong khi đó, ngày 30/10, Hãng thông tấn Áo đưa tin Thủ tướng Sebastian Kurz cho biết không thể chấp nhận việc đóng cửa biên giới giữa các quốc gia thành viên EU. Theo nhà lãnh đạo này, các nước cần phải tránh việc đóng cửa biên giới giống như đã từng thực hiện vào mùa Xuân vừa qua.

Hy Lạp thông báo sẽ áp đặt phong tỏa cục bộ đối với thành phố Thessaloniki và hai khu vực khác của nước này kể từ ngày 30/10 sau khi số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại đây tăng đột biến.

Trước đó, Hy Lạp đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 giảm đáng kể so với các nước thành viên EU khác. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 10, khi các biện pháp cách ly chống dịch được nới lỏng, số ca nhiễm mới bắt đầu tăng trở lại. Với 1.547 ca mắc mới, ngày 28/10 được ghi nhận là mốc thời gian có số ca nhiễm mới tính theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại quốc gia Nam Âu này.

Theo thông báo mới, việc tụ tập đông người ở cả nơi công cộng và cá nhân cũng như đi lại giữa các quận đều bị cấm.

Phương Hoa (TTXVN)
Không thể chống COVID-19 cục bộ, châu Âu phải tính biện pháp mạnh
Không thể chống COVID-19 cục bộ, châu Âu phải tính biện pháp mạnh

Tại châu Âu, chiến lược phong tỏa cục bộ từng điểm nóng để dập làn sóng COVID-19 thứ hai đã không thành công. Các nước châu Âu buộc phải nghĩ biện pháp khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN