Phát biểu tại một cuộc họp báo, chuyên gia dịch tễ học Maria Van Kerkhove của WHO cho biết, hiện một số nước đang dần nối lại các hoạt động sản xuất, kinh tế sau khi chứng tỏ khả năng khống chế thành công dịch COVID-19, đồng thời cho rằng các nước khác nên học theo mô hình này.
Những nước đang có xu hướng mở cửa trở lại kinh tế bao gồm nhiều nước châu Á, trong đó Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đã dần dỡ bỏ một số biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội “một cách có kiểm soát”. Trong khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, nhiều nước đang cải thiện các hệ thống, tăng cường năng lực xét nghiệm và theo dõi để phát hiện các ca nhiễm mới.
Bên cạnh đó, một số nước cũng nỗ lực đảm bảo số lượng giường bệnh để chăm sóc cho các bệnh nhân COVID-19. Theo bà Kerkhove, với cách làm như vậy, các nước có thể lại kiểm soát được dịch COVID-19 nếu dịch bệnh tái bùng phát.
Cùng ngày, WHO cho rằng các chính phủ cần cải thiện tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ buôn bán động vật sống. Tổ chức này không khuyến nghị các chợ như vậy trên toàn thế giới phải đóng cửa dù chợ bán hải sản và động vật tươi sống ở thành phố Vũ Hán (Wuhan), Trung Quốc, được cho là có liên quan đến sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, tại một cuộc họp báo, chuyên gia về an toàn thực phẩm và dịch bệnh ở động vật của WHO, ông Peter Ben Embarek cho rằng các chợ động vật sống rất quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm và sinh kế cho hàng triệu người trên toàn thế giới. Giới chức các nước nên tập trung vào việc cải thiện tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thực phẩm thay vì đặt các chợ này ra ngoài vòng pháp luật.
Ông Embarek cho rằng việc giảm nguy cơ truyền bệnh từ động vật sang người ở các chợ thường đông đúc này trong nhiều trường hợp có thể được giải quyết bằng cách cải thiện các tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thực phẩm, bao gồm tách động vật sống ra khỏi con người.
Chuyên gia của WHO cho biết thêm hiện vẫn chưa rõ liệu chợ buôn bán động vật sống ở Vũ Hán có liên quan đến hàng chục ca mắc COVID-19 đầu tiên ở Trung Quốc là nguồn lây thực sự của virus SARS-CoV-2 hay chỉ đóng vai trò trung gian truyền bệnh.
Theo ông Embarek, các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra tại Trung Quốc để xác định loài động vật truyền bệnh COVID-19 sang người. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu kể từ đó phát hiện những loài vật khác dễ mắc bệnh bao gồm chó, mèo, hổ, chồn sương.