Theo hãng tin Reuters, phát biểu trước báo giới tại một cuộc họp ở Geneva, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom cho hay: “Chúng tôi đặt tên cho dịch bệnh đó là Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID 19”.
Theo ông Ghebreyesus, “co” là chữ viết tắt của “corona”, “vi” là “virus” và “d” là “dịch bệnh” (“disease” trong tiếng Anh), trong khi số "19" là viết tắt của năm 2019, thời điểm phát hiện chủng virus này.
Người đứng đầu WHO cũng cho rằng, hiện có một “cơ hội thực tế” để ngăn chặn sự bùng phát của Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID 19. Ông Ghebreyesus cũng cho biết, vaccine cho COVID 19 đầu tiên có thể có được trong 18 tháng tới.
Tổng Giám đốc WHO Tedros đã kêu gọi các nước, các tổ chức nghiên cứu chia sẻ mẫu phẩm virus corona chủng mới và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thuốc điều trị cũng như vaccine phòng ngừa.
Phát biểu khai mạc cuộc họp kéo dài hai ngày nói trên, ông Tedros nêu rõ: "Với 99% trường hợp nhiễm bệnh tập trung tại Trung Quốc, nước này vẫn trong tình trạng khẩn cấp. Dịch bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các nước còn lại trên thế giới".
Ông bày tỏ hy vọng cuộc họp này sẽ đạt được một lộ trình nghiên cứu chung cho các chuyên gia và các nhà tài trợ. Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh: "Điều mấu chốt là sự đoàn kết, đặc biệt liên quan tới việc chia sẻ mẫu phẩm và chuỗi virus. Để chiến thắng dịch bệnh này, chúng ta cần cởi mở và chia sẻ công bằng tuân theo nguyên tắc bình đẳng và công bằng".
Cuộc họp được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu thuốc điều trị, phương pháp chẩn đoán và vaccine phòng ngừa trong bối cảnh lo ngại gia tăng về khả năng lây lan của COVID 19. Khoảng 400 nhà nghiên cứu và quan chức chính phủ các nước đã tham gia hội nghị. Các chuyên gia Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) dự họp qua video trực tuyến.
Nga 11/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố số liệu mới nhất về tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID 19, trong đó ghi nhận 108 ca tử vong mới - mức cao nhất trong 1 ngày - trên khắp nước này. Như vậy, tính đến thời điểm trên, Trung Quốc đại lục đã có tổng cộng 1.016 ca tử vong.
Số ca nhiễm mới trên toàn quốc là 2.478 ca (riêng ở tỉnh Hồ Bắc là 2.097 ca), nâng tổng số ca nhiễm dịch bệnh lên 42.638 ca. Như vậy so với một ngày trước đó, số ca nhiễm mới trong ngày đã giảm đáng kể từ mức cũ 3.062 ca - theo số liệu công bố sáng 10/2. Thêm một thông tin tích cực khi tính đến hết ngày 10/2, tổng cộng 3.996 trường hợp nhiễm bệnh đã bình phục và ra viện tại Trung Quốc, riêng ngày 10/2 ghi nhận 716 trường hợp trong đó ở tỉnh Hồ Bắc là 427 trường hợp.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết công tác ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh do chủng mới của virus Corona đã có những kết quả tích cực và nước này sẽ giành thắng lợi trong chuộc chiến chống lại virus này.
Tính trên toàn thế giới, số ca nhiễm COVID 19 tính tới chiều 11/2 là 43.098 ca, với 1.018 ca tử vong (ngoài Trung Quốc đại lục là 1 trường hợp tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong thuộc Trung Quốc và 1 trường hợp tại Philippines). Hiện Nhật Bản là nơi ngoài Trung Quốc có số ca nhiễm nhiều nhất với 161 ca.
Bộ Y tế Nhật Bản xác nhận có thêm 65 người trên du thuyền Diamond Princess hiện đang bị cách ly ở thành phố Yokohama của nước này có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng mới của virus corona. Theo đó, số ca nhiễm trên tàu này tăng lên 135 người.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm trên động vật một loại vaccine phòng virus corona chủng mới. Phát biểu với báo giới ngày 11/2, nhà khoa học Paul McKay cho biết: "Chúng tôi đã tạo ra một loại vaccine chống lại COVID 19 từ những con vi khuẩn, và sau đó đã tiêm loại vaccine này vào chuột. Chúng tôi hy vọng trong vài tuần tới sẽ có thể xác định tác động của vaccine này đối với những con chuột thí nghiệm, cụ thể là trong máu của chúng và phản ứng kháng thể của chúng với virus corona chủng mới".
Thử nghiệm trên động vật là bước bắt buộc đối với bất kỳ loại vaccine nào trước khi dùng cho cộng đồng. Các cơ quan quản lý y tế phải đảm bảo rằng vaccine có đủ độ an toàn và hiệu quả trước khi cho phép sản xuất hàng loạt.
Hiện các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã thử nghiệm một loại vaccine chống chủng mới của virus corona trên động vật. Vaccine được thử nghiệm mang tên "mRNA", do các chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, cùng Đại học Y khoa Tongji (thành phố Thượng Hải) và công ty Stermirna Therapeutics Co., Ltd đồng phát triển. Các mẫu vaccine này đã được tiêm vào hơn 100 con chuột trong ngày 9/2 vừa qua, tức là hai tuần sau khi CDC lần đầu tiên thông báo phân lập thành công chủng mới của virus Corona.