WHO cảnh báo làn sóng Omicron tại châu Âu đang di chuyển sang phía đông

Số ca mắc COVID-19 mới đã tăng gấp đôi tại các nước như Armenia, Azerbaijan, Belarus, Gruzia, Nga và Ukraine trong tuần qua, Văn phòng Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) tại châu Âu ngày 15/2 cảnh báo.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện Kommunarka, ngoại ô Moskva. Ảnh: AP.

Theo tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO, đúng như dự đoán của tổ chức này làn sóng lây nhiễm Omicron đang di chuyển về phía đông, với việc 10 quốc gia ở khu vực Đông Âu ghi nhận số ca nhiễm Omicron tăng nhanh.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh một số nước châu Âu, trong đó có Cộng hoà Séc và Ba Lan, đã thông báo khả năng nới lỏng các biện pháp hạn chế ngừa COVID-19 vào tháng tới nếu ca mắc mới COVID-19 tiếp tục xu hướng giảm.

Trong ngày 14/2, 53 quốc gia thành viên khu vực châu Âu theo cách phân chia khu vực địa lý của WHO ghi nhận 828.000 ca nhiễm mới. Đây được coi là tín hiệu tích cực, bởi lần đầu tiên từ sau ngày 11/1 châu Âu mới lại có một ngày mà số ca mắc dưới 1 triệu người. Ở thời đỉnh điểm, châu Âu ghi nhận trên 2 triệu ca mắc/ngày, đó là vào ngày 26/1/2022.

Ông Kluge cũng khẳng định vaccine là công cụ phòng ngừa tốt nhất ở thời điểm hiện nay, giúp chống lại diễn tiến bệnh chuyển nặng cũng như giảm nguy cơ tử vong ở người mắc. Ở điểm này, tỉ lệ tiêm chủng vaccine tại nhiều nước Đông Âu còn thấp. Cụ thể, chưa đầy 40% số người trên 60 tuổi tại Bosnia - Herzegovina, Bulgaria, Kyrgyzstan, Ukraine và Uzbekistan tiêm đủ liều cơ bản.

Do đó, ông kêu gọi các chính phủ, giới chức y tế, các đối tác liên quan xem xét kỹ lưỡng các lý do ảnh hưởng đến nhu cầu vaccine cũng như việc tiêm vaccine tại khu vực này, đồng thời đưa ra các biện pháp phù hợp nhằm đẩy nhanh tỷ lệ tiêm chủng vaccine.

Theo ông Kluge, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron vẫn đang hiện hữu, trong khi biến thể Delta vẫn lây lan mạnh, hiện không phải là thời điểm dỡ bỏ các biện pháp được cho là hiệu quả nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, trong đó có đeo khẩu trang trong không gian kín.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Euronews)
Sẽ là thảm họa khi dầu mỏ của Nga không sang được châu Âu
Sẽ là thảm họa khi dầu mỏ của Nga không sang được châu Âu

Khủng hoảng Nga-Ukraine gửi cảnh báo cao độ tới thị trường năng lượng về khả năng đứt gãy nguồn cung năng lượng của Nga sang châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN