Phát biểu trong cuộc họp báo, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge nêu rõ: "Chúng tôi lo ngại rằng các quốc gia sẽ ứng phó với cuộc khủng hoảng này giống như cách mà họ đã làm với cuộc suy thoái kinh tế cách đây 10 năm..., cụ thể là cắt giảm chi tiêu công trong lĩnh vực y tế. Những khoản cắt giảm này đã ngăn cản nhiều người tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà họ đang cần".
Theo thống kê của WHO, có tới 50% số các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt tình trạng cung không đáp ứng được cầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn từ năm 2008 - 2013. Và con số này hiện đã tăng lên 19 quốc gia (tính trên tổng số 28 nước EU), trong đó số người bị ảnh hưởng trong năm 2013 đã cao hơn con số 3 triệu người ghi nhận trong năm 2008.
Ngoài ra, có tới 9% số hộ gia đình trở thành hộ nghèo do phải chi trả tiền chăm sóc sức khỏe. Với sản lượng kinh tế của EU dự kiến sẽ giảm 7,5% trong năm nay, WHO cảnh báo việc cắt giảm các khoản chi trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sẽ không chỉ khiến cuộc sống của người dân gặp rủi ro mà còn dẫn tới phản tác dụng.
Ông Kluge nêu rõ: "Các quốc gia đi theo con đường cắt giảm chi tiêu y tế đã phải vật lộn để phục hồi sau cú sốc kinh tế và chúng ta phải học hỏi từ những sai lầm đó trong quá khứ".
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 2 triệu trường hợp mắc bệnh COVID-19 và hơn 175.000 trường hợp tử vong ghi nhận tại 53 quốc gia châu Âu là thành viên của WHO.