Theo hãng tin AFP của Pháp, trong thông báo ngày 17/5, WFP cho biết đối với những người đã mất nhà cửa hoặc phải rời bỏ nơi ở vì xung đột, một trong những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là được cung cấp đầy đủ lương thực, trong đó cách hỗ trợ nhanh và hiệu quả nhất là bằng tiền mặt, dưới hình thức phiếu mua hàng điện tử. Theo WFP, nhiều cửa hàng đã mở và lương thực, thực phẩm hiện đã đầy đủ tại Gaza, nơi có đa số người Palestine sinh sống. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo việc phong tỏa các cửa khẩu dẫn vào khu vực này “có thể gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và đẩy giá lương thực tăng cao”. Hiện giá cả các loại thực phẩm tươi sống đã tăng đáng kể.
Trong số gần 46 triệu USD kêu gọi cộng đồng quốc tế quyên góp, WFP dự kiến chi 31,8 triệu USD để duy trì hỗ trợ lương thực thường xuyên cho hơn 435.000 người tại Dải Gaza và Bờ Tây trong 6 tháng tới. Ngoài ra, 14 triệu USD sẽ được dùng để hỗ trợ khẩn cấp trong 3 tháng tới cho 160.000 người tại Dải Gaza và 60.000 người tại khu Bờ Tây.
Cũng theo WFP, cơ quan này có thể tiếp tục hỗ trợ điều phối cung cấp hàng hóa nhân đạo đến khu vực xung đột này trong trường hợp biên giới bị đóng cửa. Người dân ở Gaza đã và đang sống rất vất vả, thậm chí nhiều người đang phải vật lộn để kiếm từng bữa ăn. Tình trạng này càng trở nên tồi tệ hơn trong năm qua do đại dịch COVID-19 buộc giới chức phải áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại.
Mặc dù cộng đồng quốc tế kêu gọi giảm leo thang bạo lực, xung đột giữa Israel và Palestine từ đầu tuần trước đã khiến hơn 200 người thiệt mạng, đa số là người Palestine. Các động thái của Israel tìm cách trục xuất các gia đình người Palestine ra khỏi khu dân cư gần Thành cổ ở Jerusalem đã dẫn tới bùng phát căng thẳng tại một trong những khu thánh địa thiêng liêng nhất của thành phố, nơi người Hồi giáo gọi là Noble Sanctuary, còn người Do Thái gọi là Núi Đền. Cho đến nay, các nhóm vũ trang Palestine ở Dải Gaza đã nã khoảng 3.150 quả rocket về phía Israel, còn Israel đáp trả bằng các cuộc không kích.