Tuyên bố của WB nêu rõ: “Tình hình tài chính của chính quyền Palestine đã trở nên tồi tệ hơn đáng kể trong 3 tháng qua, làm tăng đáng kể nguy cơ sụp đổ tài chính. WB dự báo trong những tháng tới, thâm hụt ngân sách của chính quyền sẽ lên tới 1,2 tỷ USD, gấp đôi mức tài trợ là 682 triệu USD vào cuối năm 2023. Nền kinh tế Palestine được dự đoán sẽ suy giảm từ 6,5 - 9,6%. WB nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng hỗ trợ nước ngoài cho chính quyền Palestine.
Theo WB, gần nửa triệu việc làm trong nền kinh tế Palestine đã bị mất kể từ tháng 10/2023, khi bùng phát xung đột tại Gaza, trong đó bao gồm 200.000 việc làm ở Dải Gaza và gần 150.000 việc làm ở Israel do những người Paletine sống ở Bờ Tây đảm nhận. WB cho biết nghèo đói đã gia tăng và "hiện tại, gần như mọi người dân ở Gaza đều sống trong cảnh nghèo đói".
Hồi tháng 2 vừa qua, WB cũng đã dự báo Palestine có thể trải qua tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và kéo dài sang năm 2024. WB ghi nhận mức độ thiệt hại chưa từng có về người và tài sản ở Dải Gaza.
Trong diễn biến khác, cùng ngày, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã ca ngợi quyết định của Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy công nhận Nhà nước Palestine - biện pháp mà ông cho rằng sẽ có "tác động tích cực đến hòa bình và ổn định trong khu vực".
Trên mạng xã hội, Tổng thống Lula Lula da Silva khẳng định đây là “quyết định mang tính lịch sử” vì hai lý do. Thứ nhất, “quyết định này thực hiện công bằng đối với yêu sách của cả một quốc gia, được hơn 140 quốc gia công nhận, về quyền tự quyết” và thứ hai, “quyết định này sẽ có tác động tích cực trong việc hỗ trợ các nỗ lực hướng tới hòa bình và ổn định trong khu vực”. Ông nhấn mạnh hòa bình và ổn định “sẽ chỉ đến khi sự tồn tại của nhà nước Palestine độc lập được đảm bảo”.
Tổng thống Lula da Silva lưu ý rằng Brazil là một trong những quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh ủng hộ nền độc lập của Palestine khi nước này công nhận nhà nước Palestine vào năm 2010.