Tác động ngoại giao, quân sự sau khi 3 nước châu Âu công nhận nhà nước Palestine

Quyết định của ba quốc gia châu Âu là đáng chú ý và sẽ có tác động nhất định, có thể gây áp lực lên các đồng minh để có lập trường cứng rắn hơn đối với cuộc xung đột Israel - Hamas.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store phát biểu trong cuộc họp báo ở Vácsava, Ba Lan ngày 28/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nước châu Âu đã gặp khó khăn với chính sách về Trung Đông trong một thời gian rất dài.

Quyết định của Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy về công nhận Nhà nước Palestine chủ yếu phản ánh tình hình chính trị trong nước của các quốc gia này.

Quyết định trên là đáng chú ý và sẽ có tác động ngoại giao, có thể gây áp lực lên các đồng minh để có lập trường cứng rắn hơn trong cuộc xung đột Israel - Hamas.

Tuy nhiên, cũng có thể nói rằng cho đến nay, không có áp lực nào, ngay cả từ Mỹ, có tác động lớn đến Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Sau tuyên bố của ba nước châu Âu trên, Israel đã đáp trả bằng cách triệu hồi đại sứ ở ba nước về, cáo buộc ba nước này đã khuyến khích khủng bố với quyết định trên.

Quyết định công nhận Nhà nước Palestine có thể hữu ích và có ý nghĩa thực tế trong sự nghiệp của người Palestine về lâu dài. Tuy nhiên, ở châu Âu, phần lớn quốc gia vẫn không muốn đi xa hơn trong vấn đề liên quan Israel và Palestine.

Ở Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy, sự ủng hộ dành cho Nhà nước Palestine có tác động tới cử tri nói chung và không bị phản đối về mặt chính trị.

Tuy nhiên, ở các quốc gia châu Âu khác thì không như vậy. Mặc dù ủng hộ giải pháp hai Nhà nước chung sống hòa bình về lâu dài, nhưng Đức vẫn nhất quán ủng hộ Israel. Hungary, Ba Lan, Anh và các nước khác cũng có quan điểm tương tự.

Do đó, tác động chính sau khi ba quốc gia kể trên công nhận Nhà nước Palestine nằm ở vấn đề hỗ trợ quân sự.

Chính phủ Anh đang chịu áp lực phải xem xét vấn đề pháp lý khi bán vũ khí cho Israel, để xem việc này có vi phạm luật pháp quốc tế hay không.

Nhưng áp lực này cũng phần lớn là những vấn đề trong nước ở Anh.

Trong một thời gian dài, các chính phủ châu Âu chủ yếu coi Trung Đông, đặc biệt là Israel, là đối tượng mà Mỹ phải đối mặt, một phần là do các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực.

Các nước châu Âu đơn giản là không có ảnh hưởng lớn trong khu vực này. Trung Đông không phải là nơi khiến người châu Âu quan tâm nhiều cho tới khi xảy ra làn sóng di cư ồ ạt từ đây vào châu Âu sau sự kiện Mùa xuân Arab.

Điều đó không có nghĩa là tất cả người châu Âu đều không quan tâm đến Trung Đông, đặc biệt là vấn đề Palestine. Phần lớn người ở Ireland ủng hộ Palestine, trong khi Na Uy đã làm trung gian cho hiệp định Oslo nổi tiếng.

Trước đây, Liên minh châu Âu đã gửi một lượng lớn viện trợ nhân đạo vào các vùng lãnh thổ của Palestine và ủng hộ giải pháp hai Nhà nước.

Ủy ban châu Âu đã có phản hồi sau khi ba quốc gia công nhận nhà nước Palestine: “Liên minh châu Âu có cam kết lâu dài đối với tầm nhìn về một Nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền, sống cùng Israel trong hòa bình và an ninh”.

Liệu sự kiện mới nhất này có đẩy nhanh tiến trình hòa bình nào hay không vẫn còn chưa chắc chắn. Đây không phải là một nỗ lực phối hợp của toàn châu Âu. Na Uy không phải là thành viên của Liên minh châu Âu và khả năng toàn bộ liên minh này đều hành động như Ireland và Tây Ban Nha dường như cực kỳ khó xảy ra.

Động thái của ba quốc gia có thể gây áp lực lên những nước lớn vốn đang giữ vững lập trường ủng hộ Israel, nhưng châu Âu không có chung tiếng nói và khó có thể sớm làm như vậy về vấn đề này.

Chú thích ảnh
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Khóa họp thứ 74 Đại hội đồng LHQ ở New York. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 22/5, phát biểu sau khi Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy cho biết sẽ công nhận Nhà nước Palestine trong tháng này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh ủng hộ giải pháp hai Nhà nước, nêu rõ một nhà nước Palestine độc lập vẫn là mục tiêu vững chắc trong chính sách đối ngoại của Đức đồng thời nhấn mạnh cần có một quá trình đối thoại để đạt được mục tiêu đó.

Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne cho biết Paris đánh giá các điều kiện để chính thức công nhận Palestine là một nhà nước vẫn chưa được đáp ứng. Ông Sejourne chia sẻ: "Đây không chỉ là vấn đề mang tính biểu tượng hay vấn đề về lập trường chính trị mà còn là một công cụ ngoại giao cho giải pháp hai quốc gia cùng chung sống trong hòa bình và an ninh". Ông cũng lưu ý Pháp không cho rằng các điều kiện cần thiết đã được đáp ứng để từ đó, việc quyết định công nhận Nhà nước Palestine có thể tạo ra ảnh hưởng thực sự đối với tiến trình hòa bình hiện tại.

Cho tới nay, đã có 8 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu gồm Slovakia, Bulgaria, CH Síp, CH Séc, Hungary, Ba Lan, Romania và Thụy Điển công nhận Nhà nước Palestine.

Cũng trong ngày 22/5, người phát ngôn của Liên hợp quốc Stephane Dujarric đã khẳng định Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonia Guterres sẽ tiếp tục nỗ lực theo đuổi giải pháp hai Nhà nước, theo đó Israel và Palestine cùng chung sống trong hòa bình và an ninh, đồng thời tôn trọng quyền tự quyết của người Palestine.

Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), được quốc tế coi là đại diện hợp pháp duy nhất của người dân Palestine, ca ngợi quyết định của 3 nước châu Âu sẽ công nhận Nhà nước Palestine là chiến thắng vì sự thật và công lý. Trong khi đó, Hamas gọi đây là bước đi quan trọng và kêu gọi các nước khác làm theo. Tuyên bố ngày 22/5, phong trào Hồi giáo Hamas nhấn mạnh: "Chúng tôi coi đây là một bước đi quan trọng để khẳng định quyền đối với vùng đất của mình và mong muốn các nước trên thế giới công nhận các quyền quốc gia hợp pháp của chúng tôi".

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tác động từ việc 3 quốc gia châu Âu bất ngờ công nhận Nhà nước Palestine
Tác động từ việc 3 quốc gia châu Âu bất ngờ công nhận Nhà nước Palestine

Trong động thái được chuẩn bị kỹ lưỡng sau nhiều tuần thảo luận, Chính phủ Na Uy, Tây Ban Nha và Ireland cho biết họ có ý định công nhận Nhà nước Palestine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN