Vũ khí hạt nhân vẫn không ngừng được hiện đại hóa

Ngày 11/4, Liên đoàn phụ nữ quốc tế vì hòa bình và tự do (WILPF) cảnh báo 8 nước hiện đang sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn không ngừng hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của họ.

Công bố nghiên cứu “Vươn tới nguyện vọng sống còn (RCW)”, WILPF nhấn mạnh bất chấp cam kết của các nhà lãnh đạo các nước sở hữu vũ khí hạt nhân và nghĩa vụ pháp lý của họ theo Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) cũng như sự trả giá là các chương trình phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục, chăm sóc trẻ em… bị cắt giảm, 8 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Trung Quốc, Nga, Pakixtan, Ấn Độ, Anh, Pháp, Ixraen và Mỹ vẫn không ngừng thúc đẩy các chương trình trị giá nhiều tỷ USD để hiện đại hóa vũ khí hạt nhân trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và những thách thức đang nổi lên trên toàn cầu về khủng hoảng nhân đạo và môi trường.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Giám đốc dự án RCW, Ray Acheson, nêu rõ rằng đầu tư tiếp tục vào vũ khí hạt nhân đang “rút ruột” các nguồn tài nguyên của thế giới, tác động khủng khiếp đến người nghèo và tăng cường các thể chế có lợi ích từ vũ khí và chiến tranh. Trong năm tài chính 2012, ngân sách quốc phòng của Mỹ, trong đó có chi tiêu cho vũ khí hạt nhân đã lên tới 650 tỷ USD trong khi người dân Mỹ vẫn phải chật vật đối phó với khủng hoảng kinh tế. Bất chấp các cuộc thương lượng Hiệp ước giảm vũ khí chiến lược mới, Nga và Mỹ vẫn công khai tiếp tục thúc đẩy hiện đại hóa các loại bom và đầu đạn hạt nhân cũng như các phương tiện mang chúng như tàu ngầm, tên lửa và máy bay, mặc dù cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân không chỉ giảm về số lượng mà còn cấm cải tiến về chất lượng loại vũ khí hủy diệt này.

Nghiên cứu khẳng định một số nước sở hữu vũ khí hạt nhân hầu như không thay đổi sự phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh vì cho rằng đây là loại vũ khí cần ít nhưng có hiệu lực lớn. Tuy nhiên, an ninh dựa trên vũ khí hạt nhân sẽ buộc cả nhân loại phải trả giá vì bất cứ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào cũng dẫn đến hậu quả thảm họa cho toàn nhân loại. Để cấm sử dụng vũ khí hạt nhân, cần ý chí chính trị cũng như cần dấy lên các phong trào xã hội ở tất cả các nước, đặc biệt ở các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, đòi giải trừ vũ khí hạt nhân và phải từ bỏ chiến lược an ninh dựa vào loại vũ khí này.

TTXVN/ Tin Tức
Hai mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại

Ngày 10/4, Chủ tịch tổ chức “Các bác sĩ quốc tế ngăn chặn chiến tranh hạt nhân”, Ronald McCoy, chủ nhân Giải Nôben Hòa bình năm 1985, đã cảnh báo nghịch lý của kỷ nguyên hạt nhân là con người càng nỗ lực giành quyền lực và an ninh quân sự thông qua vũ khí hạt nhân, thì mục tiêu an ninh càng xa vời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN